Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution ngày 24/6.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra được xu hướng cháy rừng gia tăng trên khắp thế giới – thảm họa tự nhiên gây thiệt hại nặng nề đối với kinh tế quốc gia cũng như đối với môi trường tự nhiên và sinh kế của con người.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu vệ tinh về gần 3.000 vụ cháy rừng có mức giải phóng nhiệt cực lớn trong giai đoạn 2003 – 2023. Phân tích dữ liệu cho thấy số vụ cháy rừng như vậy tăng gấp 2,2 lần trong hai thập kỷ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận thấy cường độ của 20 vụ cháy rừng thảm khốc nhất mỗi năm cũng đã tăng hơn gấp 2 lần trong thời gian nghiên cứu, điều này cho thấy mức độ thảm khốc dường như có xu hướng tăng nhanh.
Theo ông Calum Cunningham – người đứng đầu nhóm nghiên cứu và đến từ Đại học Tasmania (Australia), sự gia tăng số vụ cháy rừng thảm khốc là điều đáng quan ngại. Ông Cunningham cho rằng tác động của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu khi thế giới đang phải chứng kiến tình trạng nắng nóng và khô hạn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giai đoạn 2017 – 2023 đã chứng kiến những thảm họa cháy rừng khốc liệt nhất, xét về tần suất và cường độ. Trong đó, năm 2023 là năm có cường độ cháy rừng thảm khốc nhất.
So với những nơi khác trên thế giới, các khu vực như Bắc Mỹ, phía Bắc của lục địa Á- Âu và Australia chứng kiến sự gia tăng mạnh số vụ cháy rừng nghiêm trọng. Chẳng hạn như các khu rừng lá kim ôn đới ở miền Tây nước Mỹ đã ghi nhận số vụ cháy rừng nghiêm trọng tăng gấp 11 lần trong 2 thập kỷ. Số vụ cháy ở những khu rừng bao phủ vùng cực Bắc của Trái Đất gồm bang Alaska (Mỹ), Canada và Nga đã tăng hơn 7 lần.
Việc gia tăng tình trạng khô hạn do biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng lớn. Do các khu rừng hấp thụ CO2 từ khí quyển nên việc mất cây do cháy rừng sẽ giải phóng lượng CO2 đó trở lại khí quyển, làm gia tăng hơn nữa tình trạng nóng lên toàn cầu. Vì vậy, nghiên cứu nhấn mạnh tính cấp thiết của việc các nước cần thực hiện những biện pháp thích ứng với điều kiện khí hậu gây cháy rừng cực đoan. Theo nhà nghiên cứu Cunningham, những giải pháp trước mắt là quản lý rừng ở cấp độ địa phương và nỗ lực không để xảy ra những vụ cháy rừng quy mô lớn.