Theo kế hoạch, sáng 26/6, tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng.
Trước đó, ngày 12/4, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Hữu Ca 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 4 (Ảnh: Nguyễn Dương).Trong đơn kháng cáo gửi tới TAND tỉnh Quảng Ninh, TAND Cấp cao tại Hà Nội, ông Ca cho rằng bản án sơ thẩm tuyên mình 10 năm tù là quá nặng, quá khắc nghiệt.
Ông cho rằng, bản thân không có ý thức chiếm đoạt số tiền 35 tỷ đồng của vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng giải thích thêm, khi Ngọc Anh đến nhà gặp nhờ cứu chồng mình, ông Ca đã hướng dẫn Ngọc Anh chuẩn bị số tiền 10% doanh thu từ các doanh nghiệp mà Đước đã chiếm đoạt tiền của nhà nước để khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho nhà nước.
"Ngọc Anh đã hiểu lầm lời tư vấn của tôi, mà lại chủ động mang tiền đến nhà tôi không nói gì. Tôi hiểu là số tiền Ngọc Anh mang đến để mang đi khắc phục hậu quả cho Đước nên không hỏi gì. Từ đó tôi đã để Ngọc Anh mang tiền cất ở nhà tôi hơn 3 tháng, mặc dù tôi không đồng tình với ý chí mang tiền đi chạy án của vợ chồng Ngọc Anh", ông Ca phân trần trong đơn kháng cáo.
Bị cáo Trương Xuân Đước tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Nguyễn Dương).Ông giải thích thêm, tại tòa luật sư đã trình bày rất rõ vấn đề trên và Ngọc Anh cũng xác nhận là ông bảo phải chuẩn bị 10% doanh thu từ các doanh nghiệp của Đước để khắc phục hậu quả cho Đước như những công ty khác là đúng.
Theo nội dung đơn kháng cáo của ông Ca, tại phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng Ngọc Anh đã nhận thức ra được vấn đề và đã xin giảm nhẹ hình phạt cho ông.
Tiếp tục trình bày trong đơn kháng cáo, ông Ca cho rằng, bản thân không làm chuyên môn đã gần 20 năm, về hưu được hơn 5 năm. Chính vì vậy, tư duy pháp luật của ông đã lỗi thời, lạc hậu, không cập nhật kịp quy định mới của pháp luật nên không hiểu được sự chuyển hóa của tội phạm và sự phát triển của pháp luật.
"Đến nay tôi đã nhận thức sâu sắc về việc nhận tiền từ vợ chồng Đước, Ngọc Anh, dù không đồng ý, không có ý thức chiếm đoạt, nhưng mặc nhiên chấp nhận ý chí về chạy án của vợ chồng Đước", nội dung kháng cáo của bị cáo Ca.
Trong đơn kháng cáo, ông Ca cũng bày tỏ rất ân hận, ăn năn hối cải vì hành vi của bản thân đã ảnh hưởng đến trật tự xã hội, đến uy tín của cơ quan thực thi pháp luật.
Cuối cùng, trong đơn kháng cáo ông Ca mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét đến nguyên nhân, bối cảnh và ý thức chủ quan phạm tội của bản thân, xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, xã hội.
Trước đó, theo nội dung bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã quản lý điều hành 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, nhằm chiếm lời bất chính.
Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn vợ chồng Đước mua bán trái phép là hơn 15.674 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Nguyễn Dương).Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa hối lộ Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài số tiền 362 triệu đồng, để được tạo điều kiện thành lập công ty mua bán trái phép hóa đơn.
Để che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh trách nhiệm hình sự, trong khoảng thời gian tháng 10-12/2022, vợ chồng Đước đã đưa cho Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng để nhờ Ca chạy tội.
Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng chạy án giúp vợ chồng Đước nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được; nhận và chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Đước.
Đỗ Hữu Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền 35 tỷ đồng và bản thân có nhiều thành tích trong công tác, được nhiều ban ngành ở Hải Phòng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Mức án sơ thẩm đối với 13 bị cáo trong vụ án tuyên ngày 12/4:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng bị tuyên phạt 10 năm tù.
Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (tội 1) và Đưa hối lộ (tội 2)
Trương Xuân Đước bị phạt 24 tháng tù cho tội 1 và 7 năm tù cho tội 2, tổng hình phạt là 9 năm tù.
Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) bị phạt 18 tháng tù cho tội 1 và 3 năm tù cho tội 2, tổng hình phạt là 4 năm 6 tháng tù.
Nhận hối lộ
Nguyễn Đình Đương, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải (TP Hải Phòng), bị phạt 6 năm 6 tháng tù.
Đỗ Thanh Hoài, cựu công chức Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng), bị phạt 4 năm 6 tháng tù.
Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Đặng Khắc Thành (SN 1971, lao động tự do), bị phạt 18 tháng tù.
Hà Thị Bích Nhàn (SN 1975, lao động tự do), bị phạt 15 tháng tù.
Với 6 bị cáo phạm tội Trốn thuế, không bị áp dụng hình phạt tù, chỉ phạt hành chính. Cụ thể bị cáo Đỗ Thị Đua bị phạt 2,5 tỷ đồng; Hà Thị Trang bị phạt 1,5 tỷ đồng; Vũ Ngọc Tú bị phạt 1,2 tỷ đồng;
Chu Thị Thu Hiền bị phạt 800 triệu đồng; Nguyễn Hiền Tài bị phạt 350 triệu đồng; Ngô Văn Tuyên bị phạt 300 triệu đồng.