Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các đám cháy rừng diễn ra từ Bắc Mỹ đến châu Âu - đón đầu mùa hè ở Bắc bán cầu trong năm nóng nhất lịch sử.
Cháy rừng đã thiêu rụi nhiều vùng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Hy Lạp và Mỹ vào đầu mùa hè năm nay, khi những đợt nắng nóng khắc nghiệt đẩy nền nhiệt lên mức như thiêu đốt.
Trong khi các nguồn lực bổ sung đã được đầu tư cho việc cải thiện công tác chữa cháy rừng trong những năm gần đây, các chuyên gia cho cho rằng những nguồn đầu tư tương tự lại không tương thích với việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho những thảm họa như vậy.
Stefan Doerr - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cháy rừng tại Đại học Swansea của Anh - cho biết: "Chúng tôi vẫn đang thực sự nỗ lực nắm bắt tình hình".
Việc dự đoán mức độ nghiêm trọng của một đám cháy rừng, hoặc nó sẽ tấn công ở đâu và khi nào có thể bùng phát là một thách thức, với nhiều yếu tố bao gồm cả điều kiện thời tiết địa phương được đưa vào tính toán.
Tuy nhiên, nhìn chung, các vụ cháy rừng đang ngày càng lớn hơn về quy mô và bùng cháy nghiêm trọng hơn - Doerr, đồng tác giả một bài báo gần đây kiểm tra tần suất và cường độ của các hiện tượng cực đoan như vậy - cho biết.
Cháy rừng tại Pantanal Biome, vùng Abobral, thành phố Corumba, bang Mato Grosso do Sul, Brazil, ngày 21/6 (Ảnh: AFP)
Một nghiên cứu riêng biệt được công bố vào tháng 6 cho thấy tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng dường như đã tăng gấp 2 lần trong 20 năm qua. Theo báo cáo vào năm 2022 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, vào cuối thế kỷ này, số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng 50%.
Ông Doerr nhận xét con người vẫn chưa sẵn sàng để đối mặt với thực tế này: "Rõ ràng là chúng ta chưa chuẩn bị đủ tốt cho tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay".
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy rừng, mặc dù các yếu tố khác như sử dụng đất và vị trí phát triển nhà ở cũng đóng vai trò quan trọng.
Jesus San-Miguel - chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chung thuộc Ủy ban châu Âu - cho biết cháy rừng diễn ra không phân biệt ranh giới quốc gia, do đó hành động ứng phó cháy rừng đã được phát triển giữa các chính phủ để cùng nhau đối phó với những thảm họa này.
Ông San-Miguel cho biết EU có mô hình chia sẻ tài nguyên mạnh mẽ và ngay cả các quốc gia ngoài khối dọc Địa Trung Hải cũng được hưởng lợi từ thiết bị chữa cháy hoặc hỗ trợ tài chính trong những lúc cần thiết.
Tuy nhiên, khi các vụ cháy rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc chữa cháy đơn giản sẽ không còn là giải pháp. Nước bay hơi trước khi chạm tới mặt đất. Do đó, phòng ngừa cháy rừng là điều chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc đốt có kiểm soát, chăn thả gia súc hoặc loại bỏ thảm thực vật bằng thiết bị cơ giới đều là những cách hiệu quả để hạn chế lượng nhiên liệu có thể đốt đang bao phủ nền rừng.
Hadden - một chuyên gia về an toàn cháy nổ và kỹ thuật - thông tin lệnh cấm đốt lửa trại và thiết lập các con đường phục vụ chữa cháy đều có thể có hiệu quả trong việc giảm thiểu cháy rừng bùng phát và lan rộng. Tuy nhiên, các biện pháp này đòi hỏi nguồn tài trợ và lập kế hoạch từ các chính phủ - có thể có những ưu tiên khác và ngân sách eo hẹp, và hiệu quả không phải lúc nào cũng rõ ràng ngay lập tức.