Mong muốn cho con thêm trải nghiệm thú vị trong mùa hè này, chị Đồng Thanh Huyền (29 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định tìm hiểu về các khoá học hè. Tuy nhiên khi lên mạng tìm kiếm, chị Huyền khá hoang mang khi có quá nhiều khoá học khác nhau.
Các khoá học rất đa dạng về cả nội dung và hình thức, thường được tổ chức với thời gian từ một tuần đến cả tháng, với giá thành từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Chị Huyền trao đổi với một số trang fanpage về trại hè quân đội cho trẻ, nhưng chỉ nhận về tin nhắn tư vấn qua loa, rồi được hướng dẫn liên hệ đến một số qua zalo khác. Thay vì thông tin chi tiết khoá học, chủ tài khoản zalo này lại liên tục hối thúc chị đóng tiền nhanh để nhận ưu đãi giảm giá học phí. Nhận thấy có điều bất thường, chị Huyền lập tức ngừng liên lạc.
(Ảnh minh hoạ)“Có nhiều trung tâm gần như cả năm không hoạt động, đến hè thì lại có chương trình. Nghĩ tới gần đây có nhiều hình thức lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội, tôi rất hoang mang, không biết làm thế nào để phân biệt được thật giả”, chị Huyền nói.
Giống như chị Huyền, các phụ huynh khác cũng cảm thấy bối rối trước hàng loạt trang mạng xã hội quảng cáo về các khoá học hè. Thậm chí nhiều người đang rơi vào vòng xoáy của những fanpage mạo danh, khi liên tục nhận tin giảm giá, giới chương trình với ưu đãi vô cùng hấp dẫn.
Lựa chọn khoá học hiệu quả, an toàn
Theo TS Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý giáo dục, trưởng ban cố vấn giáo dục Happy Teen, các khoá học hè cho trẻ được coi là hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục. Do đó cần được lựa chọn kỹ càng, dựa trên các tiêu chí cụ thể.
Thứ nhất, đơn vị tổ chức có uy tín với nhiều năm kinh nghiệm sẽ là "tấm vé" bảo đảm đầu tiên. Để rõ hơn về điều này, cần tham khảo phản hồi từ các phụ huynh và học sinh từng trực tiếp tham gia khoá học, từ đó sẽ có cái nhìn thực tế và khách quan hơn.
Thứ hai, nội dung, hình thức tổ chức chương trình cần mang tính giáo dục và nhân văn. Phụ huynh cũng cần đặc biệt quan tâm đến giá trị thực tiễn mà khoá học mang lại.
Thứ ba, tại các thành phố lớn, trại hè thường tổ chức ở những vùng ngoại ô cách xa trung tâm, hoặc trong không gian mở, đi kèm nhiều hoạt động thể chất sẽ dễ xảy ra nhiều yếu tố nguy cơ. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho các con cần được đặc biệt quan tâm.
"Với một số trẻ mắc những bệnh liên quan tới tim mạch, thần kinh, bố mẹ cần chú ý khi lựa chọn chương trình trải nghiệm, đặc biệt là những trại hè có những hoạt động và thử thách quá mạnh mẽ và hà khắc", TS Giang khuyên.
Thứ tư, tuỳ vào điều kiện kinh tế, phụ huynh cần tỉnh táo để ra lựa chọn phù hợp cho con. Thực tế cho thấy, không phải cứ giá thành cao sẽ đi kèm với chất lượng tương xứng. Đối với trẻ, đôi khi một trải nghiệm với chi phí thấp, nhưng tổ chức tốt, phù hợp với nhu cầu lại có giá trị hơn một trại hè cao cấp với mức chi phí cao ngất ngưởng, nhưng hời hợt và chỉ làm màu.
TS Giang lưu ý, với những khoá học được quảng cáo mang lại những giá trị quá phi thường trong thời gian ngắn nhằm đánh vào nỗi đau, phụ huynh nên đặc biệt cẩn trọng. Học tập là quá trình, không thể chỉ qua một khoá trong vài ngày mà mang lại kết quả hiệu quả bất ngờ như trở thành siêu trí nhớ, chữa lành tổn thương.
“Có nhiều khoá, trẻ đi học về bị lệch lạc trong thái độ sống, ảo tưởng sức mạnh bản thân và thiếu tính thực tế. Chưa kể, vài đơn vị làm việc thiếu trách nhiệm đến mức khiến trại hè trở thành nơi "đày ải", các con chịu ám ảnh, tổn thương”, TS Giang nói.
Việc lựa chọn khoá học, trại hè trong thời đại ngày nay là cần thiết, cũng khiến không phụ huynh đau đầu. Tuy nhiên, vì lợi ích trăm năm trồng người, nữ tiến sĩ khuyên các bậc phụ huynh hãy thận trọng trong việc lựa chọn nơi gửi con, vì mọi sai sót đều sẽ mang lại những hậu quả rất khó có thể khắc phục, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai con trẻ.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, liên tục trong thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên toàn quốc như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội… xuất hiện một số nhóm lừa đảo tạo các tài khoản trên mạng xã hội như "Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND", "Trại hè học kỳ Quân đội", "Trại hè hướng nghiệp hàng không"... với giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin của các cơ quan Công an, Quân đội, đơn vị hàng không.
Để tránh bị mất tiền oan, đại diện Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các hình thức mạo danh các đơn vị tổ chức trại hè để lừa đảo.
Khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, phụ huynh cần liên hệ và gặp trực tiếp, yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh là tổ chức hợp pháp, được phép tổ chức các sự kiện trên. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền.
Kim Nhung