Giá cước vận tải biển tăng vọt trong thời gian qua đang "phả hơi nóng" vào nhóm cổ phiếu doanh nghiệp vận tải biển trên sàn chứng khoán. Trong đó, mã HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An bất ngờ "tím lịm" trong phiên 25/6, leo lên ngưỡng 44.200 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây của cổ phiếu này.
So với đầu năm 2024, thị giá HAH đã tăng 35%, thanh khoản trong vài tháng gần đây cũng trở nên sôi động với hàng triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên, giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Hải An hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực bốc xếp, giao nhận, các dịch vụ tại cảng biển, vận tải đường thủy bộ và các hoạt động logistics khác. Đây được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển tại Việt Nam, sở hữu đội tàu lớn, trẻ và hiện đại lên đến 15 chiếc, chiếm 30% thị phần vận tải nội địa cả nước. Hoạt động vận tải của doanh nghiệp nằm trên 16 tuyến nội địa và 6 tuyến quốc tế (hầu hết là giữa Việt Nam và Trung Quốc).
Bên cạnh đó, HAH còn sở hữu một cảng biển ở miền Bắc Việt Nam là Cảng Hải An với sản lượng trung bình hơn 300.000 TEU/năm. Doanh nghiệp vẫn đang liên tục mở rộng đội tàu để gia tăng công suất, kỳ vọng có thể tăng thêm 21.000 TEUs tương ứng 20% công suất trong năm 2024.
Cơ hội lớn nhờ giá cước vận tải tăng vọt, "tranh thủ" ký thêm 2 hợp đồng thuê tàu, LN dự phóng bùng nổ
Về tình hình kinh doanh, quý 1/2024, HAH tiếp tục bị ảnh hưởng của chu kỳ đi xuống của ngành container. Công ty ghi nhận 704 tỷ đồng doanh thu, tăng 7 % so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ giảm tới 57%, còn 51 tỷ đồng.
Trong báo cáo vừa cập nhật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng giá cước vận tải HAH năm nay sẽ tăng 15% so với cùng kỳ theo diễn biến tăng chung của cước vận tải thế giới, trọng tâm là nửa cuối năm nay. Theo KBSV, giá cước vận tải dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực ít nhất đến quý 4/2024 với động lực chủ yếu đến từ xu hướng gia tăng hàng tồn kho tại Mỹ và châu Âu vẫn đang tiếp tục, đặc biệt việc Mỹ áp thêm thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của Trung Quốc từ tháng 8 tới đây khiến nhu cầu nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ tăng đột biến. Bên cạnh đó, khủng hoảng tại Biển Đỏ kéo dài cũng sẽ khiến hải trình của các tuyến tàu dài thêm đáng kể. Nhu cầu vận tải tăng đột biến cùng với thời gian vận tải tăng lên kéo theo lo ngại về nguy cơ thiếu hụt container rỗng, sẽ tiếp tục đẩy giá cước vận tải lên cao.
KBSV nhận định Hải An không chịu tác động trực tiếp từ khủng hoảng Biển Đỏ do chủ yếu tàu của HAH chạy tuyến nội địa và nội Á. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt container rỗng và nhu cầu về tàu biển cao trên thế giới sẽ tác động gián tiếp đến giá cước chung, đẩy giá cước vận tải của Hải An lên cao hơn.
Theo đà tăng của giá cước vận tải giao ngay thế giới, giá cho thuê tàu cũng đã hồi phục đáng kể từ hồi đầu năm. Hoạt động cho thuê tàu của HAH dự kiến sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn trong nửa cuối năm khi mà ngoài 3 hợp đồng cho thuê ký từ đầu năm (hợp đồng đến hết 2024) và hợp đồng cho thuê Anbien Bay (hết hạn vào giữa 2025), công ty đã ký cho thuê thêm được 2 tàu thời hạn từ 7/2024 đến tháng 1/2025.
Không chỉ vậy, sản lượng khai thác tàu của HAH kì vọng hồi phục mạnh, KBSV dự kiến tổng sản lượng vận tải 2024 đạt hơn 500.000 Teu (+20% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu hàng hóa tại các thị trường lớn Mỹ và EU phục hồi. Trong khi đó, HAH cũng đang tăng cường hợp tác với các đối tác là các hãng tàu lớn để phát triển sâu rộng mạng lưới vận tải ở thị trường nội Á, mở thêm các tuyến tàu mới như Việt Nam - Singapore, ghé các cảng mới, đồng thời tìm thêm nhiều đối tác để trao đổi chỗ trên tuyến, góp phần củng cố và mở rộng hoạt động cho đội tàu tự vận hành.
Dự kiến công ty sẽ đón thêm 1 tàu đóng mới 1.800 Teu nữa trong quý 3/2024, nâng quy mô đội tàu lên 16 chiếc. KBSV cho rằng đội tàu mới, hiện đại kì vọng sẽ thu hút nhiều đối tác là các hãng tàu nước ngoài mới. Nhu cầu vận tải cao hiện nay cũng như khủng hoảng dai dẳng ở Biển Đỏ sẽ phần nào giảm bớt lo ngại về nguy cơ dư cung tàu trong năm nay.
Song song với đó, hoạt động khai thác cảng sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho HAH khi thị trường vận tải vẫn nhiều biến động. Việc Hải An liên tục đẩy mạnh hợp tác mở thêm nhiều tuyến tàu mới cũng góp phần đem về nguồn hàng ổn định cho cảng. Đầu 2024, công ty đã đồng loạt tăng giá cước dịch vụ cảng đối với cả tuyến quốc tế và nội địa với mức điều chỉnh dao động từ 0-20% tùy loại hình dịch vụ. Trong đó, giá cước nâng hạ container tuyến nội địa và giá xếp dỡ container tuyến quốc tế có sự điều chỉnh từ 10 – 20%.
KBSV dự phóng doanh thu 2024 của HAH có thể đạt 3.200 tỷ, tương ứng 96% kế hoạch năm. Tuy vậy, LNST có thể lên tới 442 tỷ, vượt 52% kế hoạch lãi (290 tỷ đồng).
Theo Bắc Kiên