Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345), kể từ ngày 1/7, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng mỗi ngày bắt buộc phải xác thực dữ liệu sinh trắc học. Dữ liệu này phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân (CCCD) do cơ quan công an cấp.
Điểm khác biệt của việc xác thực khuôn mặt theo quy định mới là chủ tài khoản phải chụp hình CCCD gắn chip mặt trước, mặt sau và đọc dữ liệu trên chip CCCD. Dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt phải khớp với thông tin trên CCCD.
Tuy nhiên, khi quy định này được áp dụng, nhiều người từng phẫu thuật thẩm mỹ bày tỏ lo lắng rằng liệu hệ thống có thể nhận diện được khuôn mặt hiện tại hay không. Việc phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa nhỏ trên khuôn mặt có gây khó khăn khi xác thực sinh trắc.
Trên thực tế, nhiều khách hàng từng phẫu thuật thẩm mỹ như sửa mũi, cắt mí mắt, nâng cằm… dẫn đến khuôn mặt khi quét qua sinh trắc học không trùng khớp với dữ liệu đã lưu trên hệ thống dữ liệu của cơ quan công an.
Xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng. Ảnh: Hoàng HàNhiều người không phẫu thuật thẩm mỹ cũng lo khi khuôn mặt hiện tại không giống với ảnh trên CCCD nên điện thoại không quét được. Mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nhận dạng khuôn mặt phải trùng khớp với CCCD.
Nhiều người hỏi nếu đi phẫu thuật thẩm mỹ có chỉnh sửa một số nét trên khuôn mặt thì phải xác thực sinh trắc học như thế nào, đồng bộ với CCCD ra sao?
Trả lời câu hỏi trên, trong chương trình "Dòng chảy tài chính" ngày 15/6 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), ông Vũ Mạnh Hưng, Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank, cho biết đây là vấn đề mà rất nhiều khách hàng đang gặp phải.
Theo ông Hưng, bản chất của Quyết định 2345 không dừng giao dịch của khách hàng mà chỉ đảm bảo giao dịch trở nên an toàn hơn. Do 80-90% giao dịch của khách hàng là giao dịch dưới 10 triệu đồng nên quyết định này sẽ không làm cản trở cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Đôi khi chúng ta sử dụng dịch vụ, hệ thống thu thập sinh trắc học hoàn toàn nhận diện được những chỉnh sửa nhỏ về phẫu thuật thẩm mỹ. Với những phẫu thuật lớn hoặc khi gặp những tai nạn không may thì việc nhận diện khá khó khăn.
Với trường hợp trên, khách hàng hoàn toàn có thể đến quầy để được hỗ trợ, giúp dịch vụ được tiếp tục. Trừ những trường hợp không thể đến hay những trường hợp riêng thì ngân hàng sẽ có những cơ chế đặc thù. Nhưng dịch vụ hoàn toàn được tiếp tục khi khách hàng đến quầy.
Các ngân hàng thông tin, trong trường hợp khách hàng có phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt thì sau đó cần liên hệ với cơ quan công an để thay đổi dữ liệu hình ảnh trên CCCD.
Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận việc thu thập dữ liệu hiện nay còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các khách hàng lớn tuổi, chưa quen sử dụng điện thoại thông minh hay những khách hàng chưa làm lại CCCD gắn chip hoặc những người từng phẫu thuật thẩm mỹ.
Các tổ chức tín dụng đang khẩn trương triển khai xây dựng lộ trình áp dụng, rà soát cơ sở dữ liệu, xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Anh Tuấn thông tin, hiện đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua CCCD gắn chip tại quầy; 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động; 22 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng Định danh và xác thực điện tử công dân (VNeID).
Để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345 trên ứng dụng ngân hàng, người dân cần đăng nhập vào ứng dụng, lựa chọn tính năng cập nhật thông tin (tên gọi có thể khác nhau đối với mỗi ứng dụng ngân hàng).
Sau đó, người dân thực hiện chụp CCCD mặt trước và mặt sau; xác thực khuôn mặt; quét thông tin từ CCCD gắn chip vào đầu đọc NFC trên điện thoại để truyền dữ liệu. Cuối cùng, xác nhận thông tin và xác thực OTP là hoàn tất việc cập nhật dữ liệu.
Ngoài hình thức đăng ký trực tuyến, chủ tài khoản ngân hàng cũng có thể cầm CCCD ra trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ xác thực lần đầu.
Đối với khách hàng là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp CCCD gắn chip, khách hàng có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được nhân viên hỗ trợ.
Các ngân hàng khuyến cáo, để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng khác. Các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật hoặc bất kỳ thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc qua đường link.
(Tổng hợp từ ANTT, VNF)