Ở lượt trận cuối, dù bị đánh giá thấp hơn so với đội tuyển Hà Lan, nhưng Áo đã chơi một trận đấu quật cường và giành thắng lợi chung cuộc với tỉ số 3-2.
So với trận thua Pháp 0-1 và thắng Ba Lan 3-1, huấn luyện viên Ralf Rangnick vẫn tin dùng hệ thống 4-2-3-1. Tuy vậy, ông đã thực hiện một số sự thay đổi về mặt nhân sự. Alexander Prass đá chính thay cho Phillipp Mwene ở vị trí hậu vệ trái. Patrick Wimmer cùng Romano Schmid thi đấu nơi hành lang cánh, kết hợp cùng Marcel Sabitzer ở giữa, có nhiệm vụ hỗ trợ trung phong cắm Marko Arnautovic.
Đội tuyển Áo có một hiệp 1 khá ấn tượng, nhập cuộc tự tin, kiểm soát bóng nhỉnh hơn đối thủ (56%), tung ra 7 cú sút (3 trong số đó trúng mục tiêu), và mang về 1 bàn thắng (Donyell Malen phía Hà Lan đá phản lưới nhà). Nếu thủ thành Bart Verbruggen không chơi tập trung, với 3 tình huống cứu thua, thì Áo đã có thêm bàn thắng trước giờ nghỉ.
Sang hiệp 2, Áo hứng chịu nhiều sức ép đến từ Hà Lan, và bị gỡ hòa ngay ở đầu hiệp đấu. Dù không còn duy trì khả năng kiểm soát bóng tốt như trong hiệp 1, song Áo có những toan tính hợp lý, biết chọn lựa thời cơ để dồn đội hình triển khai pressing tầm cao. Họ tạo ra màn rượt đuổi tỉ số ngoạn mục cùng đối thủ, để rồi Marcel Sabitzer, với một cú đá uy lực và quyết đoán đã chốt hạ trận đấu.
HLV Ralf Rangnick giúp Áo đi tiếp với ngôi đầu bảng D
Dưới bàn tay của Ralf Rangnick, đội tuyển Áo đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Họ chơi khôn ngoan, mưu lược, mảng miếng rõ ràng, ít nhiều tạo được sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự. Rangnick nhìn thấy nhiều vấn đề nơi biên phải của Hà Lan do Lutsharel Geertruida trấn giữ, và đã chỉ đạo các học trò khoét sâu vị trí này. Họ cũng lên sẵn các phương án đánh trung lộ và thực thi khá tốt.
Trên mặt trận tấn công, Marcel Sabitzer vẫn là ngòi nổ cực kỳ quan trọng. Về lý thuyết, anh được xếp đá ở giữa trong bộ ba tiền vệ tấn công, hoạt động phía sau trung phong cắm. Nhưng thực tế, cầu thủ này di chuyển rất rộng, tích cực dạt biên và lùi sâu, xuất hiện ở nhiều điểm nóng trên sân. Ngoài bàn thắng ghi được, cựu cầu thủ của Manchester United còn có thêm 2 cú dứt điểm trúng mục tiêu, và tạo được 2 key passes (đường chuyền mở ra cơ hội cho đồng đội). Điểm sáng khác đến từ Romano Schmid. Trong lần đầu đá chính, với vai trò tiền vệ tấn công lệch phải, cầu thủ này ghi dấu ấn với 1 bàn thắng, tạo 1 key pass, và thực hiện 2 pha rê bóng thành công.
Nơi hàng thủ, dù còn bộc lộ sơ hở, nhưng nhìn chung đội tuyển Áo phần nào thể hiện được tính tổ chức, vây ráp và bắt người gắt gao, có những giải pháp ngăn chặn đối thủ tiến vào khu vực 1/3 cuối sân.
Chiến thắng 3-2 trước Hà Lan vừa qua còn mang ý nghĩa đặc biệt, khi Áo lần đầu có 2 trận thắng liên tiếp ở một giải đấu lớn (World Cup hoặc Euro), kể từ khi thắng Chile 1-0 và Algeria 2-0 tại World Cup 1982. Trong quá khứ, Áo từng tạo ra những dấu mốc huy hoàng khi đứng thứ 4 World Cup 1934, và giành hạng 3 World Cup 1954.
Bóng đá Áo từng trải qua thời kỳ dài chìm trong bóng tối hỗn mang, khánh kiệt những lứa cầu thủ tài năng, và chơi một thứ bóng đá tẻ nhạt. Nhưng rồi mọi điều dần tốt lên trong những năm gần đây. Đội tuyển Áo, thời Franco Foda, đã vào vòng 16 đội Euro 2020 (dừng bước trước Italia - đội sau đó giành chức vô địch), giờ thì, họ tái lập thành tích ấy, và hoàn toàn có thể tiến xa hơn, dưới sự dẫn dắt của Ralf Rangnick.
So với người tiền nhiệm, Áo phiên bản Rangnick mang đến hấp lực lớn hơn nhiều. Dù trải qua nốt trầm khi dẫn dắt Manchester United, song chiến lược gia người Đức đã lấy lại uy danh của một bậc thầy trường phái “gegenpressing”.
Rainer Maria Rilke, thi sĩ vĩ đại của nước Áo, có những câu thơ say đắm: “Hồn dần lớn, rời lo toan thường nhật/Vươn trải ra xa, bừng nở rộn ràng/Bến bờ tôi nơi hừng đông vừa rạng/Con sóng đầu vô tận cũng vừa tan”. Đội tuyển Áo của Ralf Rangnick đã băng qua những đêm trường hun hút thâm u để thấy được hừng đông vừa rạng và chờ đón ánh mặt trời rực rỡ chói ngời.
Ngọc My