Để xây dựng các nhân vật anh hùng xuất chúng tụ nghĩa trên Lương Sơn Bạc thế thiên hành đạo, nhà văn Thi Nại Am đã lấy cảm hứng từ các nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Một trong số đó là 'Đại đao' Quan Thắng - Thủ lĩnh 'Ngũ hổ tướng' Lương Sơn Bạc.

'Ngũ hổ tướng' của nghĩa quân Lương Sơn Bạc bao gồm Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Hô Diên Chước và Trương Thanh. Là thủ lĩnh của 5 hổ tướng dũng mãnh, Quan Thắng dưới ngòi bút của Thi Nại Am là một chiến tướng văn võ song toàn: Không chỉ dũng mãnh trên chiến trường mà còn có tài thao lược, dụng binh vô cùng xuất chúng.

Vậy, 'Đại đao' Quan Thắng, vốn là hậu duệ của 'Võ thánh' Quan Vũ trong Thủy Hử, ở ngoài đời là người như thế nào?

Chân dung Quan Thắng. Ảnh: Baidu

Sử chép rằng, những năm đầu thời kỳ Nam Tống (1127–1279), ở Tế Nam có một vị tướng dũng cảm nổi tiếng khắp chốn tên là Quan Thắng. Người này đảm nhiệm chức vụ trấn thủ thành Tế Nam.

Là vị tướng lĩnh phò tá Tống Vũ Đế Lưu Dụ - hoàng đế khai quốc của nhà Lưu Tống trong lịch sử Trung Quốc - Quan Thắng nổi tiếng là người chính trực, hết mực trung thành với nhà vua, dân chúng.

"Tống sử" chép rằng, khi quân Tấn xâm chiếm phương Nam, Quan Thắng chủ động xin hoàng đế đích thân dẫn quân ra chiến trường trấn áp, lập được nhiều công trạng cho triều đình.

Được truyền cảm hứng từ nhân vật Quan Thắng có thật trong lịch sử, Thi Nại Am đã đưa hình mẫu này vào câu chuyện 108 anh hùng tụ nghĩa tại Lương Sơn, đứng lên đấu tranh chống lại cường quyền. Bước vào những trang truyện của Thi Nại Am, Quan Thắng được giữ nguyên tên của nhân vật có thật, và còn được mệnh danh là 'Đại Đao', là hậu duệ của Quan Vân Trường.

'Đại đao' Quan Thắng - Chiến tướng dũng mãnh của Lương Sơn Bạc

Do thuộc dòng dõi danh tướng nên Quan Thắng trong Thủy Hử có khá nhiều nét tương đồng với ông tổ Quan Vũ nhà Thục Hán.

Thủ lĩnh của 'Ngũ hổ tướng' là một người có thân hình cao lớn, khỏe mạnh. Gương mặt toát lên vẻ vừa uy nghiêm, vừa thông minh. Cặp lông mày đen tựa như lưỡi đao, mắt phượng sáng ngời, bộ râu đen dài cùng đôi môi đỏ như được tô son.

Hình ảnh Quan Thắng trong phim ảnh. Nguồn: Baidu

Người này nguyên quán tại Vận Thành, Sơn Tây, Trung Quốc. Thủa nhỏ đã ham đọc sách, lớn lên thông thạo kinh thư, binh pháp, cộng thêm võ nghệ cao cường, sức khỏe không ai địch nổi.

Dẫu vậy, trước khi gia nhập Lương Sơn Bạc, Quan Thắng chỉ giữ chức nhỏ là Tuần kiểm phủ tại Phố Đông, nằm trong phạm vi quản lý của phủ Đại Danh, dưới triều đại Bắc Tống (960–1127). Trong mắt dân chúng, ông vừa thông minh, lại vừa có lòng nhân nghĩa cao ngút trời.

Cuộc đối đầu với nghĩa quân Lương Sơn khi thủ lĩnh Tống Giang dẫn binh tấn công phủ Đại Danh trở thành mối lương duyên đưa Quan Thắng tụ nghĩa tại 'Bến Nước' về sau.

Chuyện kể rằng, khi Tống Giang tấn công phủ Đại Danh, thừa tướng nhà Bắc Tống là Sái Kinh đã phong cho Quan Thắng chức Lãnh binh, cùng với các chiến tướng khác của triều đình dẫn theo 15.000 binh lính và kỵ binh tinh nhuệ đánh trả, triển khai kế "Vây Ngụy cứu Triệu" (đánh thẳng vào nơi mạnh nhất của địch) tại Lương Sơn Bạc.

Quan Thắng chia quân thành ba nhóm mũi nhọn, tấn công vào doanh trại của nghĩa quân Lương Sơn Bạc.

Tống Giang hay tin buộc phải quay về cứu viện. Khi đó, Quan Thắng đã dự trước điều này nên bày trận mai phục, bắt sống được 2 tướng của Lương Sơn rồi sau đó đối đầu với Tống Giang cùng hai chiến tướng Tần Minh và Lâm Xung.

Thưởng thức tài nghệ của Quan Thắng ngay trên chiến trường, Tống Giang rất ngưỡng mộ, bèn nghe theo mưu kế của chiến lược gia Ngô Dụng, hòng thu phục người này.

Đánh trận liên tiếp với Tần Minh và Lâm Xung, Quan Thắng dần yếu thế. Ngay lúc đó, chiến tướng của Lương Sơn giả vờ thua, cho lui quân hòng dụ Quan Thắng xông vào cướp doanh trại Lương Sơn, nhưng thực chất là dụ Quan Thắng vào ổ phục kích.

Ngô Dụng tính toán như thần. Quan Thắng và chiến tướng triều đình còn lại mắc mưu và bị bắt sống. Đích thân Tống Giang cởi trói cho Quan Thắng; các chiến tướng khác của nghĩa quân thì bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Quan Thắng.

Nhìn thấy tấm chân tình và lòng trung thành của nghĩa quân vì dân chống lại cường quyền, Quan Thắng bằng lòng tụ nghĩa cùng các hảo hán.

Những trận đánh thể hiện tài binh pháp đỉnh cao của Quan Thắng

Sau khi gia nhập Lương Sơn Bạc, sự dũng cảm cùng tài dụng binh đỉnh cao của Quan Thắng nổi danh khắp chốn, ai nấy đều gọi chiến tướng này là "Đại đao" và tôn làm thủ lĩnh của "Ngũ hổ tướng" của quân kỵ binh.

Về sau, Quan Thắng cùng Tống Giang chinh Nam phạt Bắc, vào sinh ra tử cùng các chiến tướng Lương Sơn Bạc, lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến chống lại nhà Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp.

Tài dụng binh pháp của Quan Thắng được thể hiện rõ nhất trong cuộc chiến với nhà Liêu và Phương Lạp.

Trong cuộc viễn chinh chống lại nhà Liêu, Quan Thắng đã đánh bại phó tướng Hạ Trọng Bảo của Liêu (vốn là người đủ sức đánh bại vạn người và vô cùng giỏi phép thuật) sau 13 hiệp đấu. Đồng thời hợp lực cùng 2 chiến tướng Lương Sơn là Trương Thanh và Hoa Vinh hạ được Tổng tư lệnh của nhà Liêu là Ngột Nhan Quang - người thông thạo 18 loại võ thuật, tinh thông binh pháp và dũng cảm khó ai có thể sánh bằng).

Trong cuộc viễn chinh chống lại Phương Lạp, Quan Thắng đã dẫn quân của mình để thu phục thành Đan Đồ (thuộc Giang Tô, Trung Quốc ngày nay).

Tài lược quân sự của Quan Thắng còn được Tống Giang ngưỡng mộ hết mực trong khuôn khổ cuộc chiến thành Hàng Châu. Khi đó, Nguyên soái Thạch Bảo (một trong "Ngũ hổ tướng" của Phương Lạp) xuất binh đối đầu chiến tướng Lương Sơn Bạc. Và người đầu tiên tướng Phương Lạp giao đấu chính là Quan Thắng.

Quan Thắng 'biết mình biết người' nên đã không mắc mưu kế của Thạch Bảo. Ảnh: Baidu

Khi giao chiến được 20 hiệp với Quan Thắng trong trận Bắc Quan, Thạch Bảo - vốn là người túc trí đa mưu - đã giả vờ bị thua và quay đầu tháo chạy. Quan Thắng thấy vậy không thúc ngựa đuổi theo vì biết rằng đao pháp của Nguyên soái Thạch Bảo không thua kém gì mình, việc bỏ chạy tất có mưu đồ phía sau. Nhờ bản lĩnh này, Quan Thắng "án binh bất động" và không mắc mưu mà Thạch Bảo chờ sẵn.

Sau trận Bắc Quan, hai bên nghĩa quân giao đấu tại trận đánh đồi Ô Long. Dù bị tổn thất nặng nề về người nhưng nghĩa quân Lương Sơn Bạc về sau cũng dồn lực tấn công quân Thạch Bảo. Nhận thấy kết cục thảm hại trước mặt, Thạch Bảo vung kiếm tự sát ngay tại đồi Ô Long, chính thức chịu thua trước nghĩa quân dù trước đó đã khiến rất nhiều chiến tướng Lương Sơn chết trận.

Sau khi cùng Tống Giang bình Phương Lạp chiến thắng trở về, Quan Thắng được triều đình ban tặng nhiều lễ vật và phong cho chức Tổng quản Binh mã phủ Đại Danh. Trong một lần uống say, Quan Thắng đã ngã ngựa và qua đời không lâu sau đó.

Cái chết đột ngột của Quan Thắng là một tổn thất lớn của triều đình và những độc giả yêu mến ông trong Thủy Hử.

Tham khảo: Sohu, KKNews, Baidu

Theo Trang Ly