Tại một hội nghị ở Moscow, khi được hỏi liệu Nga có thể đảm bảo an ninh hạt nhân trong thời đại cạnh tranh về AI hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trả lời là có thể.
"Trong những năm gần đây, Nga đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển lĩnh vực hạt nhân. Điều này cho phép chúng tôi đảm bảo an ninh của chính mình trong nhiều thập kỷ tới", ông Ryabkov nói.
Thứ trưởng Ngoại giao cũng cảnh báo, việc phương Tây đánh giá thấp quyết tâm của Moscow có thể dẫn đến hậu quả "bi thảm" do Mỹ và các đồng minh đang đối đầu với một cường quốc hạt nhân lớn là Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Bloomberg
Ông Alexei Arbatov, một chuyên gia kiểm soát vũ khí nổi tiếng, cho rằng nếu không có đối thoại về ổn định chiến lược giữa Nga và Mỹ, thế giới đa cực có thể rơi vào hỗn loạn hạt nhân. Chuyên gia Arbatov cũng khuyến khích Nga và Mỹ nên nối lại đối thoại về ổn định chiến lược sau khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc; đồng thời đề nghị hai nước cần tiếp tục ký kết một Hiệp ước Cắt giảm vũ khí (START) mới, do hiệp ước cũ đã hết hạn vào năm 2006.
Trước đó, hôm 24/6, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã trích dẫn lại tuyên bố trước đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho biết các cuộc thảo luận liên quan đang được tiến hành giúp học thuyết hạt nhân của Moscow phù hợp với thực tế hiện nay.
Hôm 20/6, Tổng thống Putin tuyên bố, Moscow đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân của đất nước. Học thuyết hạt nhân hiện tại quy định Nga có thể sử dụng loại vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công "gây ra mối đe dọa cho sự sống còn" với nước Nga.
“Chúng tôi không cần khả năng tấn công trước, vì đòn đáp trả của chúng tôi chắc chắn sẽ tiêu diệt bất kỳ kẻ tấn công nào”, Tổng thống Nga nhấn mạnh; đồng thời cáo buộc phương Tây đang hạ thấp tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có năng suất cực thấp.