So với trận hòa 1-1 trước đội tuyển Anh ở lượt trận thứ 2, huấn luyện viên Kasper Hjulmand chỉ thực hiện một điều chỉnh nhỏ, đó là việc Victor Kristiansen ngồi dự bị, và Alexander Bah xuất phát ngay từ đầu. Joakim Maehle được kéo sang cánh trái ở hàng tiền vệ, còn Bah thi đấu ở phía đối diện.

Cục diện bảng đấu trước lượt trận cuối cho phép Đan Mạch có những toan tính riêng và không ở thế buộc phải thắng như Serbia. Sự thận trọng là điều được cả hai bên thể hiện trong cách nhập cuộc. Hiệp 1, Đan Mạch chơi tốt hơn, nhỉnh hơn ở thời lượng kiểm soát bóng (60%), tung ra 5 cú sút (2 trong số đó trúng mục tiêu), buộc thủ thành Predrag Rajkovic phải 2 lần trổ tài cứu thua.

Christian Eriksen vẫn là ngòi nổ quan trọng bậc nhất trong các đường lên bóng của Đan Mạch. Trong hệ thống 3-4-1-2 mà Kasper Hjulmand sử dụng, cầu thủ của Manchester United được xếp đá ngay phía sau cặp tiền đạo Rasmus Hojlund và Jonas Wind. Tuy nhiên, biên độ hoạt động của Eriksen rất rộng, không chỉ ở trung lộ, mà còn thường xuyên dạt ra biên, và rất tích cực lùi sâu hỗ trợ phòng ngự khi đội nhà chuyển trạng thái.

Trong 88 phút hiện diện trên sân (trước khi nhường chỗ cho Yussuf Poulsen), Eriksen có 1 cú sút trúng mục tiêu, chuyền bóng chính xác đạt tỉ lệ 78%, tạo được 2 key passes (đường chuyền mở ra cơ hội cho đồng đội). Tuy nhiên, điểm trừ của anh là để mất bóng tới 21 lần, khiến đội nhà nhiều phen rơi vào trạng thái phải chống đỡ.

Trước một Serbia chơi khá chặt chẽ, Đan Mạch gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận khung thành, và nhiều lần phải cầu may với các tình huống dứt điểm từ xa. Đây cũng là giải pháp mà đội tuyển đến từ Bắc Âu đã tính trước, khi trong đội hình sở hữu nhiều cầu thủ sút xa tốt, tiêu biểu là Morten Hjulmand - người tạo nên tuyệt phẩm vào lưới đội tuyển Anh. Trận này, tiền vệ của Sporting CP có 2 tình huống nã đại bác ngoài khu vực 16m50 nhưng đều trượt mục tiêu.

Vấn đề của Đan Mạch còn nằm ở chỗ tốc độ luân chuyển bóng chưa cao, thiếu tính đột biến, và Serbia có đủ thời gian để đưa ra biện pháp ứng phó. Nhưng như đã phân tích, đội quân của Kasper Hjulmand có những toan tính riêng, nên nhiều lúc chấp nhận chơi cò cưa và không có ý định đẩy cao nhịp độ.

Thời điểm cuối trận, khi Serbia vùng lên trong thế không còn gì để mất, Đan Mạch cũng kiểm soát được tình hình nhờ vào hệ thống phòng ngự được tổ chức kỷ luật. Trong bộ ba trung vệ án ngữ trước khung thành Kasper Schmeichel, thì Jannik Vestergaard là gương mặt chơi tốt nhất. Cầu thủ thuộc biên chế Leicester City có 4 tình huống giải vây, 2 pha đánh chặn, 1 cú tắc bóng, 7/10 lần thắng không chiến, 1 lần dứt điểm trúng mục tiêu, và tỉ lệ chuyền bóng chính xác đạt 92%.

Như ở kỳ Euro trước, lần này Đan Mạch cũng kết thúc vòng bảng với 3 điểm và xếp ở vị trí thứ 2. Dù những màn trình diễn của họ đến lúc này không quá ấn tượng, nhưng thầy trò Kasper Hjulmand vẫn chứng tỏ mình là đối thủ không dễ bị bắt nạt. Khi cần chặt chẽ, kỷ luật, thậm chí…cù nhầy, họ có thể đáp ứng, như trận hòa trước Serbia. Khi cần một chút lãng mạn và bay bổng, họ cũng ít nhiều mang tới, như khoảnh khắc Morten Hjulmund khiến người Anh câm lặng với bàn thắng trác tuyệt từ quả sút xa.

Phía trước mặt họ là đội tuyển chủ nhà Đức - đối thủ ở vòng 1/8. Đương nhiên, thử thách là cực lớn. Tuy vậy, Đan Mạch có thể thua kém hơn về chuyên môn, song tinh thần là thứ vũ khí đặc biệt ở đội tuyển này. Họ sẵn sàng đối đầu trước mọi hiểm nguy, như câu chuyện về chú lính chì đồ chơi bị gãy mất một chân, với những cuộc phiêu lưu gian khó, cuối cùng cũng trở về nhà để kết bạn cùng một cô vũ nữ đồ chơi xinh đẹp. Dẫu rằng chú lính chì ấy bị quẳng vào lửa đỏ, thì rốt cuộc, từ đống tro tàn, một trái tim bằng vàng đã hiện ra.

Ly kỳ, cuốn hút, giàu cảm xúc, và không kém phần huyền bí, đó là những câu chuyện cổ tích lừng danh được viết nên bởi Hans Christian Andersen. Còn bây giờ, đội quân của Kasper Hjulmand có nhiệm vụ viết ra những câu chuyện của riêng mình. Dù thế nào đi chăng nữa, họ vẫn luôn tin vào những điều tốt đẹp giữa một thế giới bất toàn, như cách Christian Eriksen trở về từ cõi chết cách đây 3 năm, như cách đội tuyển Đan Mạch lên ngôi vô địch Euro kỳ diệu đến khó tin hơn 3 thập niên về trước…

Ngọc My