Từ ga cáp treo 2 ở phía tây chùa Hoa Yên, đi men theo con đường lát đá, du khách sẽ thấy biển chỉ dẫn đường đến thác Vàng Yên Tử. Điểm dừng chân khám phá đầu tiên trên tuyến đường này là thác Ngự Dội. Tương truyền, đây là nơi xưa kia Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thường tắm gội.
Thác cao 18m, bắt nguồn từ dòng suối Long Khê (Khe Rồng) trên núi Yên Tử. Tiếp theo, du khách sẽ đến am Thiền Định (hiện chỉ còn nền am), tương truyền là nơi tọa thiền của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sau khi ngài tắm ở thác Ngự Dội. Từ đây, du khách đi đến cuối con đường sẽ thấy thác Vàng cao 14,5m, được tạo nên bởi nhánh thứ hai của dòng suối Long Khê. Xung quanh thác có nhiều cây gỗ lớn. Nằm về phía đông thác Vàng là thác Bạc bắt nguồn từ dòng suối Bạc. Vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm), cả hai thác đều có nhiều nước chảy xối xả xuống phía nam, ôm lấy thung lũng Giải Oan, tạo thành một minh đường tụ thủy lưu giữ khí thiêng vùng núi Yên Tử.
Một điều ấn tượng khi du khách hành hương lên thác Vàng Yên Tử là có dịp chiêm ngưỡng cánh rừng nguyên sinh ở 2 bên đường đi. Cánh rừng này có nhiều cây dây leo, cây dại mọc đan xen rừng trúc, rừng tùng cổ trải rộng từ chân núi l.ên đ.ỉnh núi. Đặc biệt, khu rừng này còn có những cây mai còn gọi là “Đại lão mai vàng Yên Tử” cao hơn 10m, có đường kính từ 40 – 50cm. Tương truyền rằng, vào thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông sau khi lên núi Yên Tử tu hành đã cùng các phật tử trồng mai vàng trên khắp vùng núi Yên Tử, nhiều nhất là tại khu vực chùa Đồng, chùa Một Mái, thác Vàng, thác Bạc…
Có dịp đến khu di tích danh thắng Yên Tử, đặc biệt là vào khoảng giữa tháng 4 âm lịch hàng năm, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hoa mai vàng nở rộ thành chùm lớn, từng bông xoè rộng 5 cánh vàng rực, lộc xanh biếc, tỏa hương thơm dịu mát. Với những đặc tính vốn có, mai vàng Yên Tử được các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đ.ánh giá là một nguồn gen quý của Việt Nam và được đề xuất nhân giống để bảo tồn và phát triển.