Theo ghi chép trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.Đỗ Tất Lợi, cây xuyên tâm liên có tên khoa học là Androgaphis paniculata (Burm. f.) Nees, tên khác là cây công cộng, lãm hạch liên, hùng bút, khổ đảm thảo.

Xuyên tâm liên mọc dại và được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc để làm thuốc. Cây còn mọc ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, miền nam Trung Quốc (Quảng Châu). Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái thành từng đoạn rồi phơi hay sấy khô.

Công dụng của xuyên tâm liên

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), cho hay xuyên tâm liên chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid.

Xuyên tâm liên đã từng là vị thuốc trứ danh trên thế giới giúp kháng khuẩn, giảm viêm. Hơn nữa, cây cũng dễ mọc, dễ trồng, có thể thu hoạch sau 1 - 2 năm. Tại Việt Nam, vào những năm 1980, cây thường được dùng để chủ trị nhiều bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp, viêm nhiễm đường ruột, nóng sốt, dị ứng, đau nhức cơ thể... Xuyên tâm liên được dùng khá nhiều để chữa bệnh ở nước ta vào thời kỳ kháng sinh chưa phổ biến.

Xuyên tâm liên (ảnh minh họa).

Bác sĩ Vũ cho hay rễ và lá xuyên tâm liên được dùng phổ biến trong y học cổ truyền Ấn Độ và nhiều vùng ở Đông Nam Á, Trung Mỹ và vùng Caribê, thường được dùng làm thuốc trị rắn và sâu bọ cắn. Nước hãm hoặc nhựa từ lá vò nát được dùng trị sốt, ban da ngứa và làm thuốc bổ. Nước sắc lá hoặc rễ được dùng trị đau dạ dày, lỵ, bệnh tả, cúm, viêm phế quản, làm thuốc tẩy giun và lợi tiểu.

Ở Ấn Độ, xuyên tâm liên còn được dùng để chữa ho gà cho trẻ. Lá khô xuyên tâm liên cùng với tỏi được tán bột làm thành viên uống mỗi lần 1 viên, ngày 3 lần, trong 3-7 ngày để chữa sốt rét. Xuyên tâm liên cũng được dùng trong phương thuốc cổ truyền Ấn Độ để chữa rụng tóc dưới dạng thuốc sắc uống.

Trong đợt dịch Covid-19, xuyên tâm liên đã tạo ra "cơn sốt" ở nhiều nước vì được biết đến có khả năng chữa Covid-19. Tại Việt Nam, trong Công văn số 1306/BYT-YDCT ngày 17.3.2020 do Bộ Y tế ban hành về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, xuyên tâm liên có được dùng trong một số bài thuốc như ngân kiều tán và ngân kiều tán gia giảm. Đây là những bài thuốc được dùng hỗ trợ điều trị trong giai đoạn khởi phát của bệnh, để giải quyết các triệu chứng như phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi…

Bài thuốc từ xuyên tâm liên

Theo bác sĩ Vũ, xuyên tâm liên có vị rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau. Loại cây này được sử dụng để điều trị lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm amiđan, viêm phổi, rắn độc cắn. Cách dùng: Ngày dùng 10 – 15g lá dưới dạng thuốc sắc uống. Nếu tán bột, mỗi lần uống 2 – 4 g, ngày 2-3 lần.

Xuyên tâm liên cũng được dùng để chữa viêm miệng, viêm họng bằng cách dùng vài lá nhai ngậm.

"Xuyên tâm liên là vị thuốc đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền và được coi như một loại kháng sinh thực vật", bác sĩ Vũ nói.

Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng xuyên tâm liên:

- Chữa lỵ trực khuẩn cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt, sưng tấy, rắn độc cắn: Xuyên tâm liên 15g; kim ngân hoa, sài đất mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa viêm phổi, sưng amidan: Xuyên tâm liên 12g; huyền sâm, mạch môn, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa viêm gan nhiễm khuẩn: Xuyên tâm liên 3g, cỏ nhọ nồi 6g, diệp hạ châu đắng 3g. Sắc uống ngày một thang trong 2-4 tuần.

Mặc dù xuyên tâm liên có nhiều công dụng, việc sử dụng làm thuốc vẫn cần đúng theo chỉ định của chuyên gia. Bác sĩ Vũ khuyến cáo: "Xuyên tâm liên là vị thuốc lạnh, sử dụng dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy. Người tỳ vị hư hàn không nên dùng. Khi dùng xuyên tâm liên cần có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng đề phòng tác dụng phụ".