Lượng lượng công an tham gia bảo vệ điểm thi hỗ trợ thí sinh Nguyễn Đình Cương đến phòng thi. (Ảnh: Thành Tâm)
Tại điểm thi Trường THPT Đắk Mil, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), từ đầu giờ chiều, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT đã có mặt để đón những thí sinh “đặc biệt” của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Được gia đình chở đến sớm nhất, thí sinh Phạm Ân, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (dự thi tại điểm thi THPT Đắk Mil) cho biết, bản thân bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Sau hơn 1 tháng điều trị, em vừa được xuất viện cách đây 5 ngày.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Hải (bên phải) động viên thí sinh Phạm Ân yên tâm dự thi. (Ảnh: Thành Tâm)
“Em bị chấn thương sọ não phải nằm viện lâu, giờ ra viện chưa ôn thi được gì nhiều. Em xin bố mẹ, thầy cô cho em dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT sau đó đi học nghề nấu ăn. Em mong thầy cô tạo điều kiện cho em có thể đứng dậy, đi lại 1 tý trong lúc làm bài vì em chưa thể ngồi lâu 1 chỗ”, Ân gửi mong muốn.
Trước lời đề nghị của thí sinh Ân, Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Hải đề nghị trưởng điểm thi bố trí thêm giám sát để hỗ trợ em trong suốt quá trình dự thi.
“Trong điều kiện Quy chế cho phép, giám thị và giám sát phòng thi cần hỗ trợ tối đa để bảo đảm sức khỏe cho thí sinh và phù hợp Quy chế thi”, ông Hải nêu.
Không giấu được xúc động, Ân gửi lời cảm ơn tới Giám đốc Sở và quý thầy cô giáo. Đồng thời hứa, sẽ cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất.
“Nhận được lời động viên từ thầy Giám đốc Sở, dù kết quả như thế nào thì đây cũng là kỷ niệm đẹp, đáng nhớ và cũng là động lực cho em cố gắng hơn”, Ân xúc động nói.
Còn với thí sinh Nguyễn Đình Cương, chắc chắn kỳ thi này sẽ là động lực để em và gia đình vươn lên trong cuộc sống.
Cương bị tai nạn giao thông trước kỳ thi hơn 1 tháng. Em bị gãy cả tay trái và xương đùi chân trái. Dù đã được xuất viện nhưng em chưa thể tự đi lại.
Vì vậy, khi đến điểm thi, đội ngũ tình nguyện viên, đặc biệt là lực lượng công an sẽ chia nhau cõng, bế Cương lên phòng thi trong suốt quá trình dự thi.
Đôi chân chưa tự đi, nhưng thí sinh Nguyễn Đình Cương yên tâm vì đã có lực lượng Công an hỗ trợ trong suốt quá trình dự thi. (Ảnh: Thành Tâm)
“Hôm nay, được cả Giám đốc Sở động viên, chú công an cõng lên tận tầng 3, em thật sự xúc động và biết ơn. Đây sẽ là động lực để em cố gắng cả trong kỳ thi và cuộc sống sau này”, Cương xúc động nói và cho biết thêm, sau tai nạn, được sự động viên, thăm hỏi, giúp đỡ của thầy cô Trường THPT Đắk Mil, đặc biệt là thầy Phan Minh Đức - Phó Hiệu trưởng, em mới quyết tâm đi thi.
“Nếu đỗ tốt nghiệp, em sẽ đi học cao đẳng nghề để nhanh có việc làm phụ giúp bố mẹ”, Cương nói.
Cũng nằm trong diện “đặc biệt”, thí sinh Thân Tiến Thịnh, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Đắk Mil) được Giám đốc Sở GD&ĐT dìu lên tận phòng thi.
Thí sinh Thân Tiến Thịnh được Giám đốc Sở GD&ĐT dìu đến phòng thi làm thủ tục dự thi. (Ảnh: Thành Tâm)
Thịnh cho biết, em cũng bị tai nạn giao thông và bị gãy chân trước kỳ thi gần 2 tháng. Đến nay em tự đi lại bằng đôi nạng gỗ. Tuy nhiên, để lên cầu thang thì phải có người hỗ trợ.
“Ban đầu em chỉ nghĩ, người dìu em vào phòng thi hôm nay chỉ là một thầy cô giáo trong điểm thi. Khi biết đây là Giám đốc Sở GD&ĐT, em quá bất ngờ, vì không nghĩ mình lại được vinh dự như thế. Em thật sự khó nói thành lời, chỉ biết kính trọng và cảm ơn thầy thôi”, Thịnh xúc động.
Thịnh cũng xem đây là kỷ niệm không thể nào quên trong quãng đời học sinh đầy mộng mơ. Em hứa sẽ thực hiện nghiêm Quy chế thi để không phụ lòng thầy Giám đốc Sở, quý thầy cô và cha mẹ.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết, dù điều kiện đi lại giữa các điểm thi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin có học sinh bị tai nạn vừa ra viện mà vẫn quyết tâm đi, ông đã tự mình đi đến điểm thi để động viên thí sinh và thầy cô.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông động viên thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đắk Mil. (Ảnh: Thành Tâm)
Chắc chắn, hình ảnh vị Giám đốc Sở GD&ĐT tự mình đến điểm thi bằng chính xe cá nhân để động viên thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt sẽ điểm sáng của Kỳ thi. Đây cũng là hành động đẹp là động lực để thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh ở Đắk Nông nói riêng, cả nước nói chung nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất.