Nhìn từ trên cao có thể dễ dàng thấy hàng loạt nhà dân đã xây lùi vào trong, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để mở rộng đường Nguyễn Thị Định - Ảnh: CHÂU TUẤN
Gia đình tôi sinh sống trên đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) từ năm 1999 đến nay. Bao năm qua có rất nhiều đổi thay quanh nơi tôi sống nhưng có một điều "muôn năm cũ" là tình trạng kẹt xe và va chạm giao thông xảy ra như cơm bữa khi con đường quá chật hẹp.
Ngày nay, không thể phủ nhận sự quan trọng của đường Nguyễn Thị Định. Đây chính là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối với cầu Phú Mỹ, nút giao An Phú, phà Cát Lái... Tuy vậy, nhiều lúc tôi cảm nhận con đường này đang phải mặc chiếc áo quá chật bởi lưu lượng phương tiện giao thông dồn từ tứ phía.
Và lần đầu tiên vào năm 2015, khi địa phương thông báo sơ bộ về dự án mở rộng đường từ 7m lên 30m, tôi cùng nhiều bà con khác vui mừng vô cùng. Lúc bấy giờ, tôi sẵn sàng bàn giao gần 100m2 mặt bằng để làm đường.
Nhưng vì một vài lý do và ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự án đã không thể thực hiện như dự kiến. Hơn ai hết, người dân chúng tôi hiểu được nỗi khổ của mình khi muốn xây cũng không được mà bán nhà cũng chẳng xong...
Cho đến cuối năm 2023, Nhà nước có điều chỉnh về dự án, đồng thời tăng tiền bồi thường và đa số người dân đồng lòng bàn giao mặt bằng. Riêng phường Thạnh Mỹ Lợi (nơi tôi sống) có khoảng 204 hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi dự án.
Thật đáng mừng có đến 86% hộ đồng ý bàn giao, bởi đa số đều hiểu rằng dự án kéo dài quá lâu rồi, đã đến lúc phải được hoàn thiện thật nhanh để người dân an cư lạc nghiệp, đi lại an toàn hơn.
Riêng gia đình tôi đã cho tháo dỡ phần vỉa hè và một phần nhà đang cho thuê. Nhiều lúc cũng tiếc, bởi "tấc đất tấc vàng", ngôi nhà cũng ngắn đi nhiều và phải lùi vào bên trong khoảng 4 - 5m so với trước kia. Về giá cả đền bù cũng vậy, khó để bất cứ người dân nào cảm thấy thỏa đáng.
Nhưng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển chung của xã hội và đặc biệt là giải tỏa nạn kẹt xe quanh khu vực, tôi và các hộ dân đều sẵn sàng tháo dỡ. Người diện tích ít, người diện tích nhiều và chung quy cuộc sống đều bị đảo lộn, hoạt động kinh doanh đều bị ảnh hưởng. Nếu gọi đó là sự "hy sinh" có thể hơi quá, nhưng về lâu dài chúng tôi cũng sẽ được nhận lại nhiều điều tốt đẹp khác.
Nếu đường hoàn thành, bộ mặt của TP Thủ Đức sẽ thay đổi, người dân đi lại dễ dàng hơn, kinh doanh thuận lợi, giá đất phần còn lại hoặc lân cận sẽ tăng theo... là những kỳ vọng mà tôi nhìn thấy.
Câu chuyện đường Nguyễn Thị Định chỉ là một ví dụ điển hình cho việc giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình dự án của Nhà nước hiện nay.
Ở đâu đó vẫn còn căng thẳng chuyện đền bù chưa thỏa đáng, chuyện đi hay ở, chuyện đập bỏ hay cố bám trụ không chịu giải tỏa. Những nơi đó có thể họ có lý do riêng. Và đây là điều mà Nhà nước cũng cần tìm hiểu và lắng nghe điều chỉnh, cũng như phân tích những lợi ích trước mắt và lâu dài.
Bởi chỉ khi lợi ích của người dân được quan tâm đảm bảo, họ mới có thể mở lòng và lúc ấy mặt bằng sẽ được bàn giao đúng tiến độ. Đó chính là chiếc "chìa khóa" để các dự án sớm về đích.
Và cuối cùng, điều mà tôi mong đợi nhất với con đường Nguyễn Thị Định là khi có mặt bằng rồi thì hãy sớm mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện nó; không nên vì bất kỳ lý do nào mà để xảy ra chuyện thi công ì ạch rùa bò.