Hàng loạt dự án cao tốc trục ngang, trục dọc xuyên suốt chiều dài của đất nước đang được thi công để đảm bảo mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 5.000km. Song, việc đảm bảo lối ra vào ở các điểm đầu cao tốc thông suốt là vấn đề quan trọng để tối ưu hiệu quả đầu tư.
Việc xây dựng đồng bộ các nút giao kết nối nhằm đón đầu những dự án cao tốc, giúp quá trình di chuyển, vận chuyển hàng hóa nhanh hơn. Trong bối cảnh này, TPHCM đang tập trung triển khai 4 nút giao kết nối các tuyến cao tốc cửa ngõ để giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển cho người dân.
Cụ thể, dự án nút giao kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai. Quy mô nút giao giai đoạn 1 gồm xây dựng cầu vượt trên quốc lộ 50 và vuốt nối đường đầu cầu với quốc lộ 50 hiện hữu, đáp ứng 4 làn xe.
Phía TPHCM sẽ chi khoảng 573 tỷ đồng đầu tư hoàn chỉnh nút giao quốc lộ 50 với cao tốc bằng các dự án riêng, triển khai giai đoạn 2024-2027.
Khu vực nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 50 (Ảnh: Thư Trần).Việc xây dựng nút giao được TPHCM đánh giá có tính cấp bách để bắt kịp tiến độ hoàn thành của cao tốc Bến Lức - Long Thành vào năm 2025. Vì đoạn cao tốc đi qua TPHCM dài gần 25km nhưng hiện chỉ có 2 điểm kết nối.
Trong đó, nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TPHCM), gồm cầu vượt trên tuyến và đoạn kết nối đường đầu cầu chỉ 4 làn xe. Trong khi dự án mở rộng quốc lộ 50 do TPHCM đang triển khai có quy mô 6 làn xe. Điều này có thể phát sinh tình trạng "thắt cổ chai", ảnh hưởng hiệu quả đầu tư khi các công trình hoàn thành.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công năm 2014, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, dài gần 58km nối Long An, TPHCM, Đồng Nai. Hiện công trình được khẩn trương thi công để hoàn thành vào năm 2025.
Công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Long Thành, Đồng Nai (Ảnh: Nam Anh).Cao tốc này có một đoạn dài 38km sẽ ráp nối với Vành đai 3 TPHCM tạo thành vòng tròn khép kín hoàn chỉnh. Đây là trục giao thông chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong khi đó, Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển ở TPHCM, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50km. Nơi đây có tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng người dân qua sông phải lụy phà, đôi khi chuyện đi lại bị gián đoạn vào dịp mưa bão.
Vì vậy, việc xây đồng bộ nút giao đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) và cao tốc Bến Lức - Long Thành đóng vai trò giúp người dân trong vùng Đông Nam Bộ và các khu vực lân cận có thể đến Cần Giờ nhanh hơn.
Theo đó, TPHCM dự kiến bố trí khoảng 2.400 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành, triển khai giai đoạn 2024-2030.
Dự án tiếp theo là đầu tư hoàn chỉnh nút giao Gò Công và nhánh nối xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công trên Vành đai 3 TPHCM.
Dự án Vành đai 3 TPHCM qua địa bàn TP Thủ Đức dài khoảng 14,7km, nhưng chỉ bố trí một nút giao khác mức (nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) và một chỗ ra vào Vành đai 3 là khu vực cảng ICD Long Bình.
Phối cảnh nút giao Gò Công trên đường Vành đai 3 TPHCM (Ảnh: Sở GTVT TPHCM).Do đó, TPHCM sẽ đầu tư hoàn chỉnh nút giao thông Gò Công trên Vành đai 3 và đường nối từ nút giao Gò Công đến đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là xa lộ Hà Nội). Tổng mức đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.498 tỷ đồng.
Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); trong đó, vốn ngân sách tham gia dự án khoảng 3.500 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động khoảng 5.000 tỷ đồng, triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2024-2027.
Về quy mô, tuyến đường từ nút giao Gò Công đến đường Võ Nguyên Giáp được xây mới, dài 5,9km. Dự án giải phóng mặt bằng một lần rộng 67m (từ Gò Công đến đường Lê Văn Việt), giai đoạn một làm trước 4 làn xe hai bên (để trống ở giữa 27,5m dự phòng mở rộng sau này). Đồng thời, dự án xây dựng cầu vượt nút giao Lê Văn Việt, nút giao Gò Công.
Cuối cùng là dự án xây dựng nút giao Gò Dưa đến cao tốc TPHCM - Chơn Thành (đoạn Vành đai 2 thuộc địa bàn TPHCM đến ngã ba Độc Lập giáp với tỉnh Bình Dương) sẽ chuyển thành đường dẫn cao tốc.
Đoạn đường dẫn này có tổng chiều dài khoảng 1,65km, rộng 60m. Tuyến đường có điểm đầu từ nút giao Gò Dưa - Vành đai 2 (TP Thủ Đức), đi trùng với đường Bình Chiểu.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.660 tỷ đồng, dự kiến triển khai giai đoạn 2024-2028.
Hiện Sở GTVT TPHCM được UBND TPHCM giao nhiệm vụ chủ trì lập báo cáo tiền khả thi về 4 dự án này. Việc hoàn thiện các nút giao kết nối với các tuyến cao tốc cửa ngõ được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển cho người dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.