- Hà Nội đang có kế hoạch triển khai việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Hà Nội đặt mục tiêu "xe xanh" cho giao thông công cộng, trong đó 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

Hà Nội vừa rồi đã đề xuất 3 phương án chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng, tôi nghĩ đấy là bước đột phá rất mạnh mẽ khi Hà Nội mạnh dạn loại bỏ những phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang nguyên liệu sạch hơn như là điện.

Để thực hiện chủ trương này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

Việc đưa ra các kịch bản để cùng nhau bàn bạc, phân tích, lựa chọn phương án tối ưu là cần thiết.

Tôi nghĩ phương án nào cũng có điểm mạnh điểm yếu của nó, tuy nhiên khi chúng ta nhìn những chiếc xe buýt điện chạy ngoài đường, thì nhiều người đều sẽ muốn Hà Nội quyết tâm chọn phương án đến năm 2030 chuyển đổi sang 100% xe buýt điện. Bởi vì xe buýt điện vừa sạch, vừa đẹp và bảo vệ môi trường.

Ông Hoàng Dương Tùng.

- Phương án liên quan đến taxi điện thì sao, thưa ông? Hiện nay rõ ràng xe taxi chạy xăng vẫn đang chiếm số lượng lớn. Ông có nghĩ rằng Hà Nội nên có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp taxi đẩy mạnh lộ trình sử dụng taxi điện?

Tôi nghĩ không chỉ taxi điện, mà tất cả các phương tiện có tính công cộng thì nên chuyển sang chạy điện. Nếu chuyển tất cả xe taxi thành xe taxi điện thì có nhiều ưu điểm như không ồn ào, không ô nhiễm.

Tôi mong muốn không chỉ taxi chuyển sang chạy điện. Hàng ngày chúng ta nhìn các chị lao công đi thu gom rác, họ rất vất vả đẩy xe rác, tôi mong muốn chúng ta cơ giới hoá được vấn đề đó, thì chúng ta có thể thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn mà Hà Nội đang rất khó khăn. Việc này vừa giúp tăng năng suất lao động, vừa sạch sẽ và bảo vệ môi trường và bớt công sức của các chị lao công. Nếu chúng ta sử dụng được các phương tiện chạy bằng điện thì thu gom rác vào ban đêm vừa đỡ vất vả, vừa đỡ tiếng ồn, mang lại rất nhiều lợi ích.

Ngoài ra, những xe ô tô chở hàng mà chuyển sang phương tiện chạy điện thì tốt biết bao nhiêu. Các loại dịch vụ công như xe bưu điện mà sử dụng điện thì tôi nghĩ tuyệt vời. Tôi cho rằng đó là điều mà nhiều người dân Hà Nội rất mong chờ.

- Như vậy, nếu Hà Nội quyết tâm chuyển các phương tiện giao thông công cộng sang xe điện thì sẽ thể hiện được vai trò tiên phong của chính quyền Hà Nội, tạo ra những tác động lan tỏa trong việc thay đổi thói quen của người dân liên quan đến phương tiện di chuyển, thưa ông?

Tôi nghĩ là như vậy, vai trò của chính quyền rất quan trọng, khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện chạy điện không phải bằng tiền mà bằng những cơ chế.

Ví dụ, trong phân loại rác, người ta phải quy định những đơn vị thu gom rác phải có các điều kiện, trang thiết bị kỹ thuật. Nếu chúng ta quyết tâm đưa thêm yêu cầu cần sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường thì sẽ thể hiện được định hướng của Hà Nội trong chuyển đổi xanh, không chỉ trong lĩnh vực phân loại rác, mà trong cả phương tiện giao thông, giảm thiểu ô nhiễm.

Những chính sách phải thể hiện được Hà Nội đang ưu tiên chuyển đổi xanh, không chỉ bằng lời nói mà bằng những chính sách cụ thể. Như vậy vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa bảo vệ môi trường. Tôi cũng thấy nhiều nước làm như vậy.

Ví dụ khi tôi đến Hà Lan, tôi thấy rằng taxi điện thì không phải xếp hàng, người ta tự động được vào đón khách. Đó là những cơ chế chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra để giao thông được xanh hơn.

Tôi cho rằng cơ chế khuyến khích nhiều khi không phải bằng tiền mà là bằng cách tạo cơ chế để khuyến khích nhiều người tham gia. Điều đó mới thực sự là bền vững.