Đó là ngành điện tử, chip. Thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại tòa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Tại tọa đàm, ông Sebastian Buckup, Thành viên Ủy ban điều hành WEF, Giám đốc các mạng lưới và quan hệ đối tác WEF, nhận định rằng, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, một trong những động lực giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua chính là dựa trên đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo không chỉ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính khu vực, toàn cầu mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, đổi mới sáng tạo chính là một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về có một số tập đoàn lớn trên thế giới hiện nay đầu tư sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam. Ảnh: VGP
Trên thực tế, Thủ tướng cho biết, hiện nay có một số tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, chẳng hạn như Intel, Samsung, Synopsys… Ngoài ra, những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Google, Apple, Meta và Nvidia (những doanh nghiệp có vốn hóa hàng nghìn tỷ USD - PV) cũng đang tìm hiểu về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
Thị trường bán dẫn ở Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm (theo công ty nghiên cứu Technavio).
Do đó, để thu hút các tập đoàn lớn, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: Xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển, tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, nhất là các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, hydrogen…
Đồng thời, Việt Nam còn tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng số, hạ tầng điện, nước, giao thông, hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động các nguồn lực bao gồm nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài (bao gồm nguồn tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… là quan trọng và đột phá).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lập nghiệp.
Cũng tại tọa đàm, trao đổi về những sáng kiến để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đồng thời triển khai những chương trình và đề án cấp Quốc gia về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh ngiệp chuyển đổi số, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam...
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ để hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo (trong đó xây dựng, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030…); huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.
Việt Nam luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư
Thủ tướng trao đổi về những sáng kiến để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ảnh: VGP
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng về vai trò của công ty khởi nghiệp nước ngoài với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức của Việt Nam.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhìn nhận các công ty khởi nghiệp nước ngoài chính là động lực hỗ trợ thúc đẩy, phát triển đổi mới sáng tạo. Điều này được thể hiện ở ba vai trò chính, bao gồm chuyển giao công nghệ và kiến thức; cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn chào đón, khuyến khích, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng xanh, sạch, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực khác nhau. Sự kiện của WEF năm nay có chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới" với sự tham dự của 1.600 đại biểu, để tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng, ngành công nghiệp mới trước bối cảnh AI đang thúc đẩy mọi ngành nghề kinh tế phát triển.
Theo Minh Hằng