Sáng 26/6, trong phiên thảo luận dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đã viện dẫn việc hoa sen được bầu chọn là quốc hoa với tỷ lệ bỏ phiếu 81% từ năm 2011 nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào được công bố. Khi người dân và các cơ quan được giao xây dựng đề án mong chờ lễ công bố quốc hoa thì có ý kiến là không có cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt. Về điều này, ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghệ dự thảo Luật Di sản Văn hóa cần bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hoa sen nói chung, sen hồng nói riêng là loài hoa rất gần gũi với người dân Việt. Ảnh: Sơn Tùng
Trước đó, vào chiều 5/6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh cũng nêu vấn đề rằng: "Ở quy mô quốc gia, chúng ta chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam. Để du lịch những năm tiếp theo hồi phục với tỷ lệ du khách quốc tế quay lại cao, theo tôi một lý do khách quốc tế ít quay lại là chúng ta chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách.
Chúng ta tự hào về bản sắc của 54 dân tộc trên 63 tỉnh, thành nhưng đối với khách quốc tế thì họ lại rất khó nhớ rõ bản sắc riêng của Việt Nam. Nhật Bản thì dễ nhớ như họ có kimono, sake, núi Phú Sĩ, trà đạo, hoa anh đào và cách chào hỏi của họ. Bản sắc quốc gia thể hiện rõ qua trang phục, ẩm thực, thắng cảnh, âm nhạc, nghệ thuật. Du lịch Việt Nam có thể để lại dấu ấn với du khách quốc tế về áo dài, phở, Hạ Long, đàn bầu, rượu, múa rối nước.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Thư viện Quốc hội, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được giao thẩm quyền duyệt quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, quốc cầm, phần nào hạn chế việc sử dụng quảng bá bản sắc Việt Nam ra thế giới".
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, bà Đào Hương – Trưởng ban Vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa cho rằng: "Tôi rất đồng tình với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đoàn Bình Định về đề xuất cần bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Chúng ta rất cần có quốc hoa để làm công tác đối ngoại, nhận diện bản sắc văn hóa.
Họa sĩ Đào Thị Liên Hương - Trưởng bân Vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa. Ảnh: FBNV
Trước đây, Bộ VHTTDL đã có đề án trình Quốc hội phê duyệt về việc lựa chọn quốc hoa. Chúng ta đã thống nhất chọn loài hoa sen hồng là quốc hoa. Tuy nhiên, không biết vì lí do gì mà từ bấy đến nay việc đó vẫn bị bỏ lửng, không ai quan tâm đến nữa, không ai đưa ra nữa. Cho nên đến giờ Việt Nam chúng ta vẫn chưa có quốc hoa. Quốc hoa hiểu đơn giản là biểu trưng của một đất nước về hoa nhưng lại rất quan trọng đối với từng quốc gia. Từ ngàn xưa, người Việt đã rất yêu quý hoa sen vì đó là loài hoa mang vẻ đẹp thuần khiết, biểu tượng của tâm hồn Việt. Rất mong, bằng cách nào đó, quốc hoa sớm được công nhận và công bố chính thức".
Việt Nam sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội nếu không sớm phê duyệt quốc hoaTheo bà Đào Thị Liên Hương, người dân Việt Nam rất yêu quý hoa sen và chẳng ai có ý kiến phản đối chuyện chọn loài hoa này là quốc hoa. Nhìn ra các nước xung quanh, chúng ta thấy nước nào cũng có quốc hoa như một biểu tượng văn hóa để nhận diện. Chẳng hạn, Nhật Bản chọn hoa cúc – loài hoa của hoàng gia làm quốc hoa, Hàn Quốc là hoa dâm bụt, Indonesia và Philipine là hoa nhài, Singapore và Thái Lan là hoa phong lan, Lào là hoa sứ, hoa đại… và họ rất thuận lợi trong làm ngoại giao văn hóa.
"Tôi cũng đang là họa sĩ tham gia vào việc trang trí các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, vẫn đặt hình ảnh hoa sen hồng đứng cạnh quốc hoa của nước đó. Hãng Hàng không Quốc gia VietnamAirline cũng vẫn dùng hoa sen như một biểu tượng nhận diện. Nhân dân Việt Nam vẫn yêu mến loài hoa sen như nghìn năm nay vẫn vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ chần chừ, nếu chúng ta cứ chậm trễ, không chịu thông qua việc chọn hoa sen hồng là quốc hoa sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong ngại giao văn hóa và nhận diện bản sắc văn hóa. Điều này ít nhiều sẽ tác động đến chuyện thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới", bà Đào Hương nói thêm.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn và nhà sưu tập tranh sen Thúy Anh. Ảnh: Sơn Tùng
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chia sẻ với Dân Việt rằng, câu chuyện quốc hoa của Việt Nam đã đặt ra trong vài thập niên gần đây. Tuy nhiên, không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa có một quyết định chính thức nào công bố hoa sen hồng là quốc hoa. Nếu "ngâm" câu chuyện này lâu thêm, Việt Nam sẽ bị thiệt thòi so với nhiều nước có quốc hoa, ít nhất là trong vấn đề quảng bá văn hóa, du lịch và hình ảnh đất nước.
"Tôi nghĩ là có thể do không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm phê duyệt về vấn đề này như ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh nói nên việc công bố quốc hoa vẫn cứ lần lữa mãi. Cũng có thể do có tâm lý lo ngại việc chọn hoa sen làm quốc hoa sẽ trùng với quốc hoa của Ấn Độ. Ấn Độ cũng chọn loài sen trắng lầm quốc hoa. Nhưng sen trắng và sen hồng là hai biểu tượng khác nhau, không ảnh hưởng gì cả. Nhiều nước trên thế giới cùng chọn một loài hoa làm quốc hoa là chuyện rất bình thường.
Từ hàng nghìn năm trước, hoa sen đã được xem như một biểu tượng của sự thanh cao, của hồn cốt văn hóa Việt. Rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh… đều chọn quốc hoa làm biểu tượng trang trí nổi bật.
Tôi nghĩ chúng ta phải sớm khẳng định quốc hoa và Quốc hội nên phê chuẩn việc đó sớm. Một quốc gia, bên cạnh quốc kỳ, quốc nhạc… không thể không có quốc hoa, quốc phục…", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh thêm.
Làm rõ vấn đề ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm 5/6, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương cũng nói cần xây dựng thương hiệu của Việt Nam trong một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.
"Bộ trưởng Bộ Công Thương có nói đến phải xây dựng thương hiệu của Việt Nam trong một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đúng là rất cần thiết nhưng chúng tôi đã cho rà soát lại về cơ sở pháp lý thì chưa có. Đây là một khoảng trống về mặt pháp lý nên nhân đây chúng tôi cũng báo cáo nhìn từ góc độ văn hóa năm 2011 Chính phủ có giao cho Bộ VHTTDL xây dựng nhận diện bộ quốc hoa. Sau khi Bộ VHTTDL thời điểm đó làm cũng nhận diện hoa sen và đề xuất nhưng đến khi trình lên thẩm quyền ai là người công nhận và đây là thẩm quyền của ai và người nào được ký, cuối cùng trả lời không ai được quyền ký vì không có quy định.
Nhân cuộc trả lời chất vấn này, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoảng trống về mặt pháp lý này. Có thể giao cho một bộ nào là quyền của Quốc hội hoặc đưa vào trong luật Chính phủ để Chính phủ hoặc các bộ, ngành được thẩm quyền công nhận. Nếu nhận diện ra không được công nhận là không được".