Sau khi có phản ánh của phóng viên Dân trí, nguồn tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang rà soát thông tin đề thi chính thức môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có tác phẩm giống " đề tin đồn" thất thiệt được đăng tải trên mạng xã hội trước đó.

Cụ thể theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội vào khuya 26/6, đề ngữ văn, sẽ là đoạn văn, không phải thơ. Đặc biệt, phần nghị luận văn học sẽ gọi tên tác phẩm "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Đoạn thông tin được đăng tải còn nhấn mạnh, đề đã ra và còn 5 ngày nữa thôi, sẽ không thể đổi được.

Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ GD&ĐT khẳng định tin lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2024 ở trên mạng là hoàn toàn sai sự thật.

Đề thi chính thức môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Hoàng Hồng).

Còn ở đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2024 có 2 phần:

Phần I đọc hiểu (3 điểm) rơi vào đoạn trích tác phẩm "Dòng sông và những thế hệ của nước" của tác giả Nguyễn Quang Thiều với 4 câu hỏi.

Phần II làm văn (7 điểm) có 2 câu hỏi. Câu hỏi 1 yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính.

Câu 2 yêu cầu phân tích đoạn thơ trong tác phẩm "Đất nước", từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ.

Nhiều người cho rằng, trước đó mạng xã hội xôn xao tin đồn phần nghị luận văn học rơi vào tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm và nay, phần thi này cũng rơi vào đúng tác phẩm đó thì có phải ngẫu nhiên?

"Đây là câu hỏi có điểm cao (5 điểm), nếu thí sinh chăm chú khoanh vùng, ôn tập tác phẩm này các em khác sẽ thiệt thòi", một giáo viên cho biết.

Nhận xét chung về đề thi năm nay, cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn ngữ văn tại hệ thống Tuyensinh247.com cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn ngữ văn bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ giáo dục và vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT 2023.

Học sinh trung bình có thể giải quyết được 5-6 điểm, học sinh khá có thể đạt được 7 điểm, mức 8 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng hơn đối tượng học sinh giỏi.

Thí sinh buổi thi môn ngữ văn tại Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).

Ở phần nghị luận văn học, trong đoạn trích "Đất nước" (trích trường ca Mặt đường khát vọng), nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết:

"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái "ngày xưa ngày xưa... " mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó...

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"

Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ"

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 118-119)

Phần câu hỏi phụ yêu cầu học sinh chỉ ra chất suy tư đan xen với cảm xúc trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích. Đề thi tương đối phù hợp với khả năng của học sinh, phần câu hỏi phụ có tính phân hóa học sinh cao.

Có thể khái quát cấu trúc đề như sau:

Đọc (3.0 điểm)

Viết đoạn (2.0 điểm)

Viết bài (5.0 điểm)

Ngữ liệu: Văn bản văn học

Nghị luận xã hội

Nghị luận văn học

Theo cô Quỳnh Anh, đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường Đại học.