Hội nghị với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp và khách mời của hai nước - Ảnh: NGỌC AN

Sáng 27-6 (giờ địa phương), tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc quan tâm đầu tư

Trong khuôn viên khán phòng, hàng trăm ghế chật kín chỗ ngồi với sự tham gia của các doanh nghiệp hai nước. Trong số này có nhiều doanh nghiệp hàng của Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng, công nghệ.

Cùng tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh cho hay, người Trung Quốc thường nói “muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường”, xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, hiệu quả cao, xanh, là biện pháp bền vững để duy trì thông suốt vận tải.

Ông đánh giá Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng của quan trọng. Vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường không tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác giao thông trên phạm vi toàn cầu.

Vì vậy, việc hợp tác hai nước về phát triển giao thông góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước.

Trọng tâm là nâng cao trình độ số hóa, năng lực thông quan, nâng cao khả năng của chuỗi cung ứng, tạo sức sống mới cho sự phát triển hài hòa của khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi nên có điều kiện phát triển 5 phương thức vận tải, có thể bổ trợ cho nhau.

Trong đó, Trung Quốc có tiềm lực công nghệ, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, nhiều doanh nghiệp lớn; Việt Nam có nhu cầu phát triển lớn nhưng tiềm lực, nguồn vốn có hạn.

“Hai bên có quyết tâm chính trị cao với tinh thần thúc đẩy làm ăn trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, thể hiện trong nhiều thỏa thuận cấp cao, hiệp định đã được ký kết” - ông nói khi điểm lại các dự án hợp tác của hai bên đã đạt được kết quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế, thách thức đặt trong quan hệ hai bên. Đó là kết quả hợp tác hạ tầng chiến lược giao thông chưa tương xứng. Ví dụ, tuyến đường sắt liên vận còn khó khăn do khác khổ đường; vận tải đường sông còn hạn chế, đường bộ cao tốc khó kết nối.

Chưa triển khai được các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược lớn, tiêu biểu; chưa dứt điểm việc tháo gỡ vướng mắc một số dự án hợp tác cũ.

Doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng dự án hạ tầng chiến lược còn khiêm tốn, chưa có doanh nghiệp tham gia với hình thức hợp tác công tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm hợp tác cùng thắng của doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh: NGỌC AN

Cơ chế huy động nguồn lực còn khó khăn, chưa linh hoạt, hiệu quả và còn nhiều vướng mắc. Khung khổ hợp tác cụ thể giữa hai nước trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược chưa hoàn thiện, đầy đủ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra, nếu như các công ty tư nhân hai nước làm ăn rất hiệu quả, thì các công ty nhà nước làm với nhau thường đội vốn kéo dài, hiệu quả thấp, nhiều vướng mắc không được giải quyết.

Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp nhà nước, gọi vốn ưu đãi từ Trung Quốc

“Tại sao có tình trạng này? Phải chăng có tiêu cực, quan liêu? Phải chăng các cấp lãnh đạo chưa thực sự quan tâm ở đây?" - ông đặt câu hỏi và nhìn nhận trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành và khẳng định giai đoạn tới không để tình trạng này mà phải hợp tác cùng thắng.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bên sớm triển khai 3 dự án đường sắt, nhất là dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Về đường sắt đô thị, phát huy kết quả dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tích cực triển khai các dự án ở Hà Nội, TP.HCM, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư theo hình thức PPP.

Để triển khai hiệu quả, Thủ tướng cho biết sẽ giao các cơ quan liên quan sớm báo cáo đề xuất Hiệp định liên Chính phủ về phối hợp, triển khai 3 dự án đường sắt phía Bắc, tiến tới mở rộng các tuyến khác.

Giải pháp là tập trung vay vốn ưu đãi Trung Quốc với cơ chế riêng, chuyển giao công nghệ, kèm theo đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm để Việt Nam hình thành ngành công nghiệp đường sắt, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quyết định.

Về đường hàng không, cần thúc đẩy mở rộng đường bay giữa hai nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao; có chính sách khuyến khích phát triển du lịch Việt Nam - Trung Quốc.

Đẩy mạnh triển khai dự án đường bộ kết nối, đặc biệt là các đường cao tốc kết nối, cầu đường bộ biên giới.

Nêu định hướng chúng ta cần làm tốt hơn giai đoạn trước, trong kết luận hội nghị Thủ tướng đã kêu gọi các doanh nghiệp hai nước liên danh, liên kết với nhau với tinh thần chân thành, hiệu quả, tin cậy, bỏ qua những vướng mắc gặp phải trước đây.

Theo đó, quá trình hợp tác phải lợi ích hài hoà, khó khăn chia sẻ; chống tiêu cực, tham nhũng, không để đội vốn.

Doanh nghiệp cùng chia sẻ, tầm nhìn, hành động với khí thế cao, quyết tâm đầu tư, mạnh dạn, hợp tác để triển khai, sẵn sàng làm, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chia sẻ, "biến không thành có, biến không thể thành có thể", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".