Theo thông tin từ Bộ Công an, trong năm ngoái, cơ quan này đã khởi tố 1.500 vụ án lừa đảo trên không gian mạng. Chỉ cần người dùng mạng xã hội mất cảnh giác sẽ nhanh chóng trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu. Tổng số tiền người dân bị lừa ước tính lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thường xuyên vào các trang mạng xã hội để theo dõi tin tức, nhưng gần đây, người phụ nữ liên tục bị làm phiền khi vô tình click vào các trang có nhiều quảng cáo. Đặc biệt là nội dung liên quan đến việc giúp lấy lại tiền cho những nạn nhân bị lừa đảo.

Anh Nguyễn Hưng, thành viên Dự án "Chống Lừa đảo" cho biết: "Trước những đối tượng lừa đảo chỉ tiếp cận nạn nhân còn bây giờ họ đã lên một tầm mới. Đó là họ bắt đầu chạy những quảng cáo và làm marketing trên diện rộng, cài cắm rất nhiều đường link lừa đảo trong những nội dung video hoặc là trong những comment, những bài viết trên nền tảng mạng xã hội".

Theo các luật hiện hành, hành vi quảng cáo gian dối, quảng cáo lừa đảo… có thể bị xử phạt hành chính từ 60 - 80 triệu đồng. Nếu tái phạm thì có thể bị phạt tù lên đến 3 năm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mức xử phạt này là chưa đủ sức răn đe với hành vi lừa đảo trên mạng.

Để hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng ngày càng nở rộ, bên cạnh sự vào cuộc xử lý mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, thì quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Không gian mạng là ảo, nhưng thiệt hại là thật nếu như người dùng không có sự cảnh giác, sàng lọc và đối chiếu thông tin kỹ lưỡng, đặc biệt là với những thông tin được quảng cáo, chào mời đi kèm với nhiều lợi ích quá hấp dẫn.