ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TDH tổ chức sáng ngày 27/06/2024. Ảnh: Thượng Ngọc

Vẫn lấy kinh doanh bất động sản là hoạt động cốt lõi

Năm 2024, TDH đặt mục tiêu lãi ròng 2024 gần 5.8 tỷ đồng (năm trước lỗ ròng hơn 62 tỷ đồng), dù doanh thu dự kiến chỉ khoảng 98.7 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm 2023.

Tổng Giám đốc TDH Nguyễn Hải Long cho biết kế hoạch trên được xác định trên cơ sở thận trọng và có thể thực hiện được. Một số hoạt động trong thời gian tới của Công ty là khai thác những tài sản hiện hữu có thể kinh doanh được; dự kiến trong 9-12 tháng tới sẽ xử lý dứt điểm các vấn đề pháp lý của giai đoạn trước; tìm cơ hội mới để tạo tiền đề sau này cho Công ty nhưng vẫn giữ ngành nghề kinh doanh cốt lõi là bất động sản.

Ông Long chia sẻ thêm doanh thu của TDH hiện tại chủ yếu đến từ hai hoạt động. Thứ nhất là việc khai thác các tài sản hiện hữu còn lại (những khu hợp tác kinh doanh hoặc cho thuê lại được) tạo nguồn thu ổn định. Thứ hai là nguồn thu liên quan đến xây dựng để ra sổ cho khách đã mua đất nền từ trước.

Chưa thể đánh giá rủi ro thương vụ hợp tác với Hưng Vượng Cần Đước và Bến Lức

Hiện tại, pháp lý của dự án khu dân cư Đồi Vàng – Phú Mỹ (Golden Hill) vẫn còn đang vướng, cụ thể là có tranh chấp với các hộ dân đang lấn chiếm đất. Thời gian qua, TDH đã cử nhân sự đến dự án để giải quyết lấy lại đúng diện tích đất theo quy hoạch 1/500. Khi hoàn thiện pháp lý, Công ty sẽ chuyển nhượng dự án để thu tiền về.

Thời gian gần đây, nhiều thông tin về việc CTCP Hưng Vượng Developer đang có lô trái phiếu quá hạn 600 tỷ đồng. Các nhân sự chủ chốt đã không còn ở nơi cư trú, cơ quan công an đang trong quá trình tìm kiếm.

Về phía TDH, Công ty hồi tháng 12/2022 có ký hợp đồng hợp tác đầu tư 127 tỷ đồng, thời gian hợp tác đến 31/12/2026, đối với CTCP Hưng Vượng Cần Đước. Tiếp đó ngày 17/08/2023 (trước thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ 2024), TDH ký hợp đồng nguyên tắc với CTCP Hưng Vượng Bến Lức, thời hạn hợp tác đến 31/12/2027 và đã chuyển số tiền hợp tác rồi. Vấn đề ở đây là ban lãnh đạo TDH chưa có căn cứ liệu Hưng Vượng Cần Đước và Bến Lức có thuộc nhóm Hưng Vượng Developer kể trên hay không nên chưa thể đánh giá rủi ro trong 2 thương vụ này. Trong thời gian tới, TDH sẽ xác nhận mối quan hệ giữa các đơn vị này, trong trường hợp có liên quan thì sẽ xem xét đến vấn đề thu hồi dòng tiền của TDH.

Ông Long cho biết thêm là tháng 1/2024, TDH có gửi công văn đến đối tác Hưng Vượng Cần Đước và Bến Lức yêu cầu làm rõ mục đích sử dụng của phần vốn mà Công ty đã góp, hai đối tác sau đó cũng đã có báo cáo phản hồi. Tuy nhiên, đến nay TDH vẫn chưa xem xét tính xác thực của hai báo cáo này.

Về việc thoái vốn tại CTCP Dệt may Liên Phương, trước mắt TDH sẽ giữ nguyên hiện trạng do trong ngắn hạn sắp tới sẽ tập trung xử lý các công việc trọng yếu hơn.

Ban điều hành cũ có nhiều thiếu sót, dẫn đến khoản trích dự phòng hơn 35 tỷ đồng

Trong phần báo cáo, đại diện HĐQT và Ủy ban Kiểm toán đều nhận định Ban Tổng Giám đốc điều hành hoạt động năm 2023 chưa thực hiện nghiêm túc một số Nghị quyết của HĐQT; còn nhiều thiếu sót, chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ khi đầu tư dự án, chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn.

Giải thích về nhận định trên, ông Nguyễn Hải Long – Tổng Giám đốc hiện tại của TDH cho biết đơn cử có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là thời điểm tháng 8/2023, trước thời điểm ĐHĐCĐ thường niên năm trước, TDH sở hữu 5.36 triệu cp FDC, ban lãnh đạo cũ đã ra quyết định bán và thu về số tiền 91 tỷ đồng, tuy nhiên việc bán này lại không được phê duyệt của HĐQT. Trước đây, Công ty từng có chủ trương thoái vốn tại FDC nhưng hiệu lực của Nghị quyết HĐQT cũ chỉ có 3 tháng, tức tháng 9/2021 là hết hiệu lực rồi. Do đó, ông Long đánh giá động thái này của Ban Giám đốc cũ là không tuân thủ quyết định của HĐQT.

Trường hợp thứ hai là liên quan đến việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Bách Phú Thịnh. Ngày 20/11/2022, TDH có ủy quyền cho Tổng Giám đốc cũ toàn quyền quyết định tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại Bách Phú Thịnh. Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tương đương 28.05% cổ phần tại Bách Phú Thịnh cho ông Ngô Trung Hiếu với giá 71.5 tỷ đồng. Ngày 22/11/2022, TDH ký tiếp hợp đồng chuyển nhượng 22.95% cổ phần của Bách Phú Thịnh cho ông Phạm Thái Minh với giá 58.5 tỷ đồng. Hai hợp đồng đều có hạn thanh toán là ngày 01/06/2023.

Tháng 12/2022, tuy chỉ mới hoàn thành thanh toán 10% tổng giá trị, tương đương 13 tỷ đồng nhưng TDH đã chuyển giao toàn bộ cổ phần này cho đối tác. Công ty phải ghi nhận khoản phải thu từ đối tác từ đó đến nay. Ngày 05/06/2023, khi đối tác đã quá hạn thanh toán thì TDH đã gia hạn đến ngày 31/08/2023.

Tuy nhiên, ngày 09/01/2024, TDH lại tiếp tục ký biên bản làm việc với ông Hiếu và ông Minh để gia hạn thanh toán đến 31/01/2025. Đáng chú ý là Ban Tổng Giám đốc đã quyết định việc này mà không báo cáo HĐQT.

Ông Long đánh giá Ban Tổng Giám đốc cũ chưa sát sao trong việc tìm kiếm đối tác, thương thảo hợp đồng, cũng như việc thu hồi công nợ. Riêng khoản phải thu của ông Hiếu và ông Minh thì trong năm 2023, BCTC TDH phải trích lập dự phòng đến 35.1 tỷ đồng, góp phần dẫn đến kết quả thua lỗ trong năm vừa rồi.

Trong thời gian tới, TDH sẽ làm việc với các đối tác này để tìm giải pháp thu hồi lại khoản nợ này. Tại thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, các cá nhân nêu trên còn phải trả cho TDH 117 tỷ đồng, chưa bao gồm phần lãi chậm trả 12% mà họ đã cam kết.

Nếu làm việc với đối tác và TDH thu hồi được 117 tỷ đồng thì sẽ trở thành nguồn lực rất lớn của Công ty, giúp Công ty giải quyết rất nhiều vấn đề. Trong trường hợp không thu hồi được hoặc có những vấn đề liên quan giữa đối tác và Ban Tổng Giám đốc cũ thì Công ty sẽ có những đơn từ gửi đến cơ quan công an để làm rõ việc này.

Ông Long nhấn mạnh hiện tại TDH không còn tham gia điều hành hay hoạt động tại Bách Phú Thịnh, nhiều người vẫn nghĩ Bách Phú Thịnh còn là của TDH, lôi TDH vào những lùm xùm liên quan đến Bách Phú Thịnh trong thời gian qua.

Tổng Giám đốc TDH Nguyễn Hải Long phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Thượng Ngọc

Phải chấp nhận không thu hồi được toàn bộ số tiền 340 tỷ đồng từ 18 bị cáo

Liên quan đến vấn đề pháp lý của vụ linh kiện điện tử 2017-2019, TDH đã thành lập đội ngũ pháp lý tương đối dày dặn để quản lý và theo dõi rất sát vụ việc. Vừa qua, Tòa án đã đưa ra bản án phúc thẩm ngày 23/05/2024, đến ngày 03/06 TDH mới nhận được nhưng Công ty đã kịp thời gửi đơn đến cơ quan thuế và cơ quan công an để tố giác tiếp giai đoạn 1 và 3. Công ty sẽ tiếp tục theo sát việc này để báo cáo đến cổ đông.

Ông Long cho biết phải chấp nhận câu chuyện là không thu hồi được hết số tiền 340 tỷ đồng nhưng có thể thu về một khoản thì cũng rất quý giá đối tới TDH.

Tránh liên quan đến pháp lý trong việc lấy lại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Về tiến độ lấy lại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Tổng Giám đốc TDH cho biết để đáp ứng cho nhu cầu quản lý tại thời điểm bấy giờ thì năm 2002, TDH đề xuất sở ban ngành thành lập công ty con TNHH do TDH nắm 100% quyền điều hành để quản lý công tác ở chợ. UBND TPHCM đã đồng ý với mô hình vận hành Công ty đề xuất với điều kiện TDH là công ty mẹ nắm 100%. Tuy nhiên, ban điều hành cũ đã thực hiện cổ phần hóa, sau đó bán lần lượt 51% và 49% qua hai giai đoạn.

Ông Long khẳng định Công ty là chủ đầu tư và có quyền quản lý hợp pháp đối với toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại chợ đầu mối Thủ Đức. Việc CTCP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức được cổ phần hóa hay chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông không làm mất đi quyền quản lý của TDH tại chợ.

Ban lãnh đạo TDH mong muốn tìm được giải pháp hài hòa được tất cả các bên để vừa giữ được tính chính danh và tài sản cho TDH, vừa đảm bảo của cổ đông Công ty chợ nhằm tránh liên quan đến pháp lý do TDH đang dồn nguồn lực cho nhiều vấn đề khác.

Tại Đại hội, ĐHĐCĐ TDH đã thông qua bầu ông Hoàng Anh Phúc thay thế ông Dương Ngọc Hải đảm nhận vị trí Thành viên độc lập HĐQT Công ty.

Ông Hoàng Anh Phúc (cầm hoa) ra mắt ĐHĐCĐ. Ảnh: Thượng Ngọc

Hà Lễ

FILI