Luật Đấu giá tài sản vừa thông qua đã sửa đổi nâng mức tiền đặt cọc tối thiểu khi đấu giá đất, đấu giá khoáng sản lên 10% thay vì 5% như hiện nay; đồng thời vẫn giữ nguyên mức tối đa là 20%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng
Luật Đấu giá tài sản vừa thông qua quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm; trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (đại diện cơ quan thẩm tra) cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này phù hợp với Nghị định số 10 năm 2023 của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc quy định cứng mức tiền đặt trước 20% như quy định tại Nghị định số 10 hiện nay đang bộc lộ hạn chế, vướng mắc. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Vì vậy, quy định về tiền đặt trước thuộc trình tự, thủ tục đấu giá nên phải tuân thủ theo quy định của luật Đấu giá tài sản.
Về đăng ký tham gia đấu giá (Điều 38), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 4 Điều 38 về việc hạn chế cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá; cần có cơ chế để thực hiện bảo đảm tính khả thi trong thực tế, cũng như bảo đảm quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.
UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng chuyển quy định tại điểm e khoản 4 Điều 38 về các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá sang điểm d2, d3 khoản 5 Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm để có cơ sở xử lý khi phát hiện vi phạm (hậu kiểm); đồng thời, thu hẹp phạm vi đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo hướng chỉ cấm đối với vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột tham gia phiên đấu giá đối với cùng một tài sản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn xảy ra trong thời gian qua.