Công nhân Hyundai Motor muốn tổ chức một cuộc đình công toàn diện

Ngày 26-6, các chuyên gia và quan chức trong ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc cảnh báo việc công đoàn hãng Hyundai Motor đình công có thể tạo ra hiệu ứng domino đối với các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất phụ tùng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến động lực xuất khẩu của quốc gia Đông Bắc Á này.

Nhận định trên được đưa ra sau khi đại đa số công nhân của Hyundai Motor bỏ phiếu ủng hộ việc tổ chức một cuộc đình công toàn diện, sau thất bại của cuộc đàm phán về vấn đề tăng lương với ban lãnh đạo của hãng.

Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên sau 6 năm, tổ chức công đoàn của Hyundai Motor tiến hành đình công.

Các chuyên gia và quan chức quan ngại cuộc đình công này có thể khiến các nhà sản xuất ô tô khác có hành động tập thể tương tự.

Trong khi đó, lãnh đạo Hyundai cũng lo ngại sẽ phải chịu thiệt hại lớn từ đình công, đặc biệt trong bối cảnh ngành sản xuất ô tô toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái do lãi suất cao kéo dài.

Ông Lee Ho-geun, giáo sư về kỹ thuật ô tô tại Đại học Daedeok, cho biết: “Bất kỳ quyết định nào của các công nhân thuộc tổ chức công đoàn của Hyundai Motor đều là phong vũ biểu để các nhà sản xuất ô tô khác, chẳng hạn như Kia và General Motors (GM), có những bước đi tương tự trong các cuộc đàm phán về lao động của chính họ. Trong trường hợp xấu nhất, xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do việc sản xuất ô tô bị trì hoãn”.

Theo Giáo sư Lee, đã đến lúc liên đoàn lao động của Hyundai Motor phải đạt được thỏa thuận với lãnh đạo hãng này bằng cách xem xét lại những gì được nhiều người coi là yêu cầu "quá mức" trong các cuộc đàm phán về tiền lương.

Ban lãnh đạo Hyundai Motor đã đề xuất tăng lương cơ bản thêm 101.000 won (72,61 USD) cùng với các ưu đãi bổ sung, tuy nhiên tổ chức công đoàn của hãng này đã từ chối đề xuất trên, yêu cầu tăng mức lương cơ bản lên 159.000 won và đưa ra ưu đãi đặc biệt tương đương 900% tiền lương hàng tháng của họ.