Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật này.
Các đại biểu chỉ ra rằng, tình trạng mua bán người diễn ra với những hoạt động rất phức tạp, phạm vi rộng, không chỉ liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn liên quan đến các cam kết, Công ước quốc tế.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu ý kiến thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, theo các Công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em.
Chính vì vậy, đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.
Cũng theo đại biểu Bình, thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.
Thực tế hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng và phức tạp. Nhiều bà mẹ mang thai bị ép buộc hoặc lừa gạt để bán thai nhi của mình vì kinh tế, tình cảm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người. Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn. Đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.
Cần cụ thể hóa chế tài xử lý đối với hành vi mua bán thai nhiTrao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, thai nhi chưa phải là một con người hoàn chỉnh, chưa có đầy đủ những quyền của trẻ em và chưa được chăm sóc, bảo vệ như đối với trẻ em. Trong khi đó, Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Vì vậy, việc có cần thiết phải xử lý đối với những người mẹ đã bán thai nhi trong bụng mình cho người khác hay không và nếu có, xử lý như thế nào là vấn đề không hề dễ dàng.
Nếu một người được xem là phạm tội, hành vi ấy phải vi phạm quy định do Bộ luật hình sự điều chỉnh, việc làm rõ cấu thành tội phạm trong trường hợp này là chủ thể, khách thể, mặt chủ quan của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm không phải dễ.
Bà Khuyên dẫn luật, tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định, đối tượng bị mua bán ở đây là trẻ em phải được sinh ra và còn sống. Còn theo quy định hiện hành, thai nhi không phải là trẻ em nên việc thỏa thuận mua bán chỉ có thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Còn trường hợp thỏa thuận mua bán thai nhi trước khi người phụ nữ mang thai, nếu sau đó người phụ nữ sinh con và đứa trẻ được giao cho người mua thì mới xem xét trách nhiệm hình sự của người bán và người mua về tội mua bán người dưới 16 tuổi vì thời điểm này đối tượng bị mua bán là đứa trẻ chứ không còn là thai nhi.
Ngoài ra, pháp luật còn có quy định về việc mang thai hộ vì mục đích thương mại nhằm hưởng một lợi ích nào đó về tiền hay vật chất, pháp luật nghiêm cấm hành vi này và chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng luật sư Nhân Chính. Ảnh: NVCC.
Nếu hành vi được xác định là tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo quy định tại Điều 187 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.
Từ phân tích trên, luật sư Khuyên cho rằng, nếu muốn xử lý hình sự hành vi mua bán thai nhi phải cụ thể bằng luật, tránh làm khó cho cơ quan tố tụng khi xử lý hành vi mua bán thai nhi này.
Để cụ thể hóa, có thể bổ sung hành vi ngay vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận hoặc sửa đổi, bổ sung vào tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết thêm, pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định về hành vi mua bán người, mua bán bộ phận cơ thể người (mua bán nội tạng) nhưng chưa có quy định về mua bán thai nhi.
Trong khi đó, thai nhi chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra. Còn khi vẫn còn đang trong bụng mẹ, chưa thể coi là con người nên không phải là đối tượng của hành vi phạm tội.
Vì vậy, các cơ quan chức năng không có căn cứ để pháp lý để xử lý hình sự với hành vi mua bán thai nhi. Trên thực tế, Việt Nam chưa khởi tố được người mẹ nào bán thai nhi như vậy.
Ngoài lý do vì nhân đạo, nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa xử lý được là vì luật pháp của nước ta chưa quy định về hành vi mua bán bào thai. Do đó cần thiết phải bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
"Cơ quan chức năng cần sớm xem xét hoàn thiện khung pháp lý xử lý hành vi mua bán thai nhi, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý vi phạm liên quan đến mua bán thai nhi. Bởi, hiện nay vì chưa có khung pháp lý rõ ràng nên hành vi này đang diễn ra ngày một phức tạp" – bà Thơ nói.