Từ ngày 1/7, nếu muốn chuyển tiền qua ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại mà vượt quá 10 triệu đồng/ lần hoặc trên 20 triệu đồng/ ngày thì phải xác thực bằng sinh trắc học. Các ngân hàng đang hỗ trợ người dân thực hiện các thao tác trên điện thoại trước thời điểm này.

Chụp ảnh căn cước công dân gắn chip từ ứng dụng ngân hàng. Đặt con chip lại gần điện thoại để quét dữ liệu. Chụp ảnh để xác thực khuôn mặt. Hoàn thiện việc xác thực sinh trắc học giúp khách hàng tránh bị xâm nhập tài khoản ngân hàng khi click vào đường dẫn lạ, hay bị chiếm quyền điều khiển điện thoại

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết: "Thông qua sinh trắc học này, nhóm tổ chức tội phạm rất khó và gần như không thể thực hiện được việc giả mạo khách hàng khi mỗi giao dịch có giá trị lớn đều phải xác thực bằng sinh trắc học của khách hàng. Nếu không chính là khách hàng thực hiện thì sẽ không thực hiện được".

Trong năm ngoái, có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Khi nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, dòng tiền ngay lập tức chạy liên tục giữa các tài khoản ngân hàng, rất khó truy vết dòng tiền. Khi xác thực sinh trắc học, dòng tiền lừa đảo sẽ bị chặn lại.

Trung tá Triệu Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ: "Không có yếu tố sinh trắc học của người mở tài khoản sẽ không thể sử dụng tài khoản đó để chuyển tiền đi. Như vậy, sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính chủ. Thực hiện các giao dịch chuyển tiền, chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng những đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác sử dụng để luân chuyển dòng tiền bị chiếm đoạt".

Còn với những người sau khi nghe các cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi giả danh, yêu cầu chuyển tiền thì những tài khoản lừa đã được Bộ Công an thu thập và xử lý cũng được liên thông với ngân hàng để cảnh báo sớm đến khách hàng ngay từ khi đặt lệnh chuyển tiền

Ông Đỗ Huy Phương - Phó Giám đốc Khối ngân hàng số, Ngân hàng Quân đội (MB) nêu ý kiến: "Sẽ hiển thị rất rõ tài khoản người nhận là tài khoản đang nằm trong diện nghi vấn lừa đảo, được xác thực bởi Bộ Công an và dữ liệu này là dữ liệu realtime và có thể dừng lại ngay việc chuyển khoản của mình để tránh các rủi ro phát sinh phía sau".

Hiện nay, đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Người dân có thể tự làm xác thực sinh trắc học theo hướng dẫn trên các ứng dụng của ngân hàng khi mở ứng dụng trên điện thoại. Lưu ý là để quét căn cước công dân gắn chip, cần tháo ốp điện thoại thì sẽ dễ thực hiện được hơn. Nếu không tự làm được, người dân có thể đến ngân hàng để được hỗ trợ. Những trường hợp bất khả kháng sẽ được nhân viên ngân hàng đến trợ giúp tại nhà.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng cần giúp xác thực sinh trắc học đối với những cá nhân khách hàng dùng chứng minh thư cũ hay căn cước công dân không gắn chip, hoặc khách hàng không có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, người dân hết sức cẩn trọng với các cuộc gọi đề nghị hỗ trợ từ người lạ, vì đó có thể là lừa đảo.