Người biểu tình bên ngoài Quốc hội Kenya sau khi xông vào tòa nhà trong cuộc biểu tình phản đối tăng thuế và Dự luật Tài chính 2024 Áp lực cả trong và ngoài nước
Việc thừa nhận thất bại là điều hiếm khi xảy ra đối với một chính trị gia có tính cách mạnh mẽ như ông William Ruto, khác hẳn so với bài phát biểu với thái độ cứng rắn, gần như đe dọa người biểu tình trong chưa đầy một ngày trước đó. Tổng thống cũng đã triển khai quân đội để trấn áp người biểu tình, một động thái mạnh tay bất thường. Thông điệp cứng rắn về an ninh của ông Ruto hôm 25-6 được cho là “vô cảm” và “kích động”, từ đó thúc đẩy các vụ bạo loạn dẫn đến chết người ở ngoại ô Nairobi, sau khi đoàn người biểu tình đã bị cảnh sát nổ súng để giải tán. Các chuyên gia cũng cho rằng, tuyên bố đó báo hiệu sự mất kết nối của ông Ruto với người dân Kenya.
Nhiều người đặt câu hỏi, điều gì đã khiến Tổng thống Kenya đảo ngược quyết định như vậy? “Tôi nghĩ ông ấy đã được khuyên rằng điều này gây tổn hại về mặt chính trị và rất có thể áp lực của phương Tây đã đóng một vai trò nào đó. Ông ấy cần phải ổn định con tàu sau khi gặp rắc rối”, Willis Okumu, thuộc tổ chức nghiên cứu Pan-Phi, Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) nhận định. Tổng thống Kenya vốn được phương Tây, đặc biệt là Mỹ ủng hộ, mặc dù từng bị cáo buộc liên quan đến bạo lực bầu cử. “Đối với những người đã biết ông ấy từ lâu, đó là một nhà lãnh đạo có đường lối cứng rắn. Chúng tôi luôn ngạc nhiên khi phương Tây lại đón nhận ông ấy. Họ biết ông ấy là ai nhưng vì ông ấy đang dẫn đầu các lợi ích của phương Tây nên họ ngoảnh mặt đi”, nhà nghiên cứu Willis Okumu nói.
Kể từ khi đắc cử vào năm 2022, nhà lãnh đạo Kenya đã xích lại gần các cường quốc phương Tây, tự cho mình là người tiến bộ trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc biệt đối với Mỹ, ông Ruto đã nổi lên như một nhà lãnh đạo Đông Phi khả thi nhất để ủng hộ, trong khi cùng khu vực này, mối quan hệ giữa Washington với Tổng thống Yoweri Museveni của Uganda và Tổng thống Paul Kagame của Rwanda đang căng thẳng.
Hôm 25-6, một đội cảnh sát Kenya dẫn đầu một phái đoàn do Liên hợp quốc hậu thuẫn đã tới Haiti, sau khi Tổng thống Ruto kiên trì theo đuổi thỏa thuận có một không hai với một quốc gia châu Phi: Lập lại an ninh trật tự cho Haiti. Nhiệm vụ đó phần lớn do Mỹ hỗ trợ và tài trợ. Trước đó, vào tháng 5-2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp long trọng Tổng thống Ruto và Đệ nhất phu nhân Rachel Ruto trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo châu Phi tới Nhà Trắng sau 16 năm.
Biểu tình rầm rộ làm rung chuyển Kenya
Nhưng ở trong nước, Tổng thống William Ruto ngày càng phải đối mặt với nhiều chỉ trích, đỉnh điểm là các cuộc biểu tình rầm rộ làm rung chuyển Kenya trong 10 ngày qua. Sự tức giận trước chiến lược thu thuế của Tổng thống đã âm ỉ từ lâu, đặc biệt là trong giới trẻ Kenya. Trong chiến dịch tranh cử, ông William Ruto hứa sẽ loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng, giảm bớt điều kiện sống khó khăn cho những người có thu nhập thấp. Nhưng thực tế, chính phủ tăng thuế thường xuyên mà không có sự cải thiện tương ứng về tiện nghi xã hội. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế gay gắt khiến giá trị của đồng shilling Kenya giảm 22% so với đồng đô la Mỹ kể từ năm 2022, khiến giá lương thực, vận tải và năng lượng tăng vọt, dù thu nhập phần lớn không thay đổi.
Nhà lãnh đạo Kenya Ruto ban đầu biện minh cho việc tăng thuế, nói rằng điều đó cần thiết cho các khoản nợ của Kenya. Chính phủ của ông nhậm chức trong bối cảnh hạn hán khắc nghiệt vào năm 2022 và sau khi xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu lương thực.
Các chuyên gia cho biết, các cuộc biểu tình bắt đầu vào năm 2023 sau đợt tăng thuế đầu tiên, đánh dấu một sự thay đổi lớn ở Kenya, nơi trước đây hầu hết người dân đều chấp nhận sự bất cập của chính phủ. Nanjala Nyabola, một nhà nghiên cứu chính trị đánh giá: “Lý do rất nhiều người trẻ biểu tình trên đường phố là vì họ nói những điều họ nhìn thấy. Những người Kenya lớn tuổi đã quen với khoảng cách giữa những gì các chính trị gia hứa hẹn và điều họ làm trong thực tế. Nhưng những người trẻ tuổi sẽ không chấp nhận điều đó”.
Theo Al Jazeera