Ngày 27/6, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng đã có báo cáo về việc trả lời kiến nghị của cử tri. Trong đó có nội dung liên quan giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, nhằm tháo gỡ, khơi thông các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án thuộc diện phải xử lý tại các bản án đã được tòa tuyên.
Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thi hành án trên địa bàn là Cục Thi hành án dân sự thành phố.
Sân vận động Chi Lăng là một trong những tài sản kê biên liên quan đến vụ án tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh (Ảnh: Hoài Sơn).Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Đà Nẵng, Sở TN-MT Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
Trong đó, Sở TN-MT Đà Nẵng đã đề xuất một số giải pháp để sớm tổ chức thi hành các bản án có liên quan đến các dự án, khu đất lớn, được cử tri quan tâm trên địa bàn như sân vận động Chi Lăng, khu đất số 209 Trường Chinh, dự án Đa Phước…
Khi đề xuất được xem xét, thông qua và triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án đối với các dự án, khu đất, góp phần khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Ghi nhận tại các dự án mà cử tri quan tâm như sân vận động Chi Lăng, dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước đang rơi vào cảnh hoang tàn.
Một góc thuộc khu đô thị quốc tế Đa Phước, một trong những tài sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Ảnh: Hoài Sơn).Theo tìm hiểu, Đà Nẵng đang phải thực hiện 4 kết luận của Thanh tra Chính phủ về đất đai, tài nguyên, rừng, các khu du lịch… Ngoài ra có thêm 3 bản án của tòa các cấp đã tuyên, trong đó có những vụ việc đã xảy ra cách đây 20 năm.
Cử tri kiến nghị, thành phố xem xét có giải pháp xử lý quyết liệt tình trạng trên địa bàn có nhiều công trình sai phạm đang bỏ hoang, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.
Sở TN-MT Đà Nẵng cho rằng, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện lập danh sách kể cả những khu đất lớn mà chủ dự án chưa đưa đất vào sử dụng nhưng không đảm bảo vệ sinh môi trường để yêu cầu các biện pháp đảm bảo vệ sinh.
Các công trình sai phạm được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 là các công trình bỏ hoang thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN-MT (đã có chủ sử dụng đất và dự án). Đơn vị sẽ mời các chủ dự án lên làm việc và cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường tại công trình; có văn bản gửi chính quyền địa phương theo dõi, giám sát, đăng thông tin trên báo, đài.
Nhiều biệt thự trên bán đảo Sơn Trà được xây dựng một phần, sau đó tạm dừng khi bị thanh tra (Ảnh: Hoài Sơn).Sở TN-MT Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục về đất đai, tiếp tục hướng dẫn chủ sử dụng đất cam kết gìn giữ vệ sinh trong trường hợp dự án chưa đi vào hoạt động.
Nhóm 2 là công trình bỏ hoang thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các quận, huyện (đã có chủ sử dụng đất). Sở TN-MT Đà Nẵng sẽ có văn bản đề nghị địa phương triển khai các biện pháp quản lý môi trường, phối hợp trong xử lý vi phạm hành chính (nếu có).