Đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phản ánh một số vụ hỏa hoạn, nạn nhân "không biết chạy đi đâu, vì xung quanh là khung sắt, chuồng cọp", mà không chạy được thì đồng nghĩa với cái chết. Ông cho rằng cần xây dựng các quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Dự thảo luật tuy có đề cập nhưng chưa đưa ra được các quy định cụ thể.
ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 27.6
Ông Mai đề nghị cần điều tra, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để tính toán giải pháp khả thi về ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh, đồng thời nâng cao trách nhiệm PCCC của chủ cơ sở kinh doanh. Ông cũng kiến nghị phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC riêng biệt giữa nhà ở thành thị với nhà ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
ĐB Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) phản ánh hiện nhiều loại hình cơ sở mới đã xuất hiện như: nhà ở nhiều căn hộ, nhà chuyển đổi công năng tính chất thành nhà nghỉ, khách sạn, văn phòng cho thuê, karaoke, nhà dân kết hợp để sản xuất và kinh doanh xen cài trong khu dân cư... Ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật PCCC, cứu nạn, cứu hộ, nhất là những quy định có tính đặc thù, phù hợp với tình hình của VN cũng như thông lệ quốc tế.
Theo ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), dường như cơ quan chức năng bất lực khi kiểm tra ở bất cứ ngõ phố, khu trọ nào cũng thấy trên dưới 90% không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Ông Thắng cho rằng người dân lâu nay ít quan tâm đầy đủ đến việc PCCC, "cháy ở đâu đó chứ không phải nhà mình". Do đó, ông đề nghị dự luật phải xác lập các quy định, trang bị cơ sở vật chất, nguyên tắc ứng xử, hành động của người dân về PCCC và thoát nạn một cách cụ thể và có tính bắt buộc.
"Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng, một phong trào quần chúng sâu rộng, liên tục, bền vững và hiệu quả, được tổ chức thực hiện bằng hành lang pháp lý quyết liệt hơn về PCCC", ông Thắng nói và đề nghị các quy định trang bị về PCCC với hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới xứng tầm, cụ thể và phù hợp thực tiễn.
Đọc hiểu quy định đã rất vất vảGóp ý về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho hay, theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực, trong đó có trên 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên về PCCC và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến PCCC. Với số lượng nhiều như vậy, theo ĐB Tú Anh, có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới. 3 năm là 3 quy chuẩn khác nhau.
ĐB Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 27.6
"Chỉ riêng việc đọc và hiểu các thay đổi trong những quy định này cũng đã rất vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện. Chưa kể, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi", ĐB Tú Anh nói; đồng thời đề nghị Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành rà soát, sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện, tránh phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
ĐB Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng diễn biến các vụ cháy ngày càng phức tạp, song vấn đề tính quyết định trong công tác PCCC không nằm ở luật mà nằm ở tổ chức thực thi pháp luật, đặc biệt là các thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC. Ông đề nghị Chính phủ rà soát kỹ để đảm bảo khi đặt ra những quy định mới hay kể cả hoàn thiện các quy định đã có phải đảm bảo tính hợp lý, không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Theo ĐB Ngọc Ba, luật hiện hành đã quy định về thẩm định thiết kế về PCCC với thủ tục tương đối phức tạp. Dự thảo luật bổ sung thủ tục thẩm tra thiết kế về PCCC. Việc thẩm tra này sẽ do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ PCCC thực hiện và là cơ sở cho việc thẩm định về thiết kế PCCC. "Tôi hiểu sau này áp dụng luật thì sẽ là thẩm định kép. Có cần thiết phải thêm thủ tục như vậy không", ĐB Ba nêu.
ĐB Ba cũng dẫn chứng quy định yêu cầu trang bị phương tiện PCCC cho các phương tiện giao thông cơ giới. Ông Ba cho rằng với quy định này, hàng triệu ô tô cá nhân sẽ phải trang bị phương tiện PCCC. Điều này theo ông là không hợp lý, làm tăng chi phí của người dân. Ông đề nghị quy định rõ tại luật những loại phương tiện nào phải trang bị phương tiện PCCC và đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi thì không cần trang bị phương tiện PCCC.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị bỏ quy định yêu cầu hộ gia đình trong phạm vi khả năng trang bị phương tiện PCCC vì cho rằng dễ bị lạm dụng. Ông cho biết đã có hiện tượng cán bộ chuyên trách PCCC đến từng hộ gia đình, khu dân cư vận động mua dụng cụ chữa cháy. Do đó, ông Hòa cho rằng việc hộ gia đình trang bị là theo nhu cầu, chỉ nên khuyến cáo.
Tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồnSáng 27.6, với 388/450 ĐB tán thành, Quốc hội (QH) thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ 1.1.2025. Điều 9 luật này quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ủy ban Thường vụ QH cho hay việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Khi đã hình thành nếp văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe", cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành tổng kết, đề xuất việc quy định hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngoài chính sách trên, luật mới còn quy định mỗi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có 12 điểm; khi vi phạm, GPLX sẽ bị trừ số điểm tương ứng. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đồng thời phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn quy định việc đấu giá biển số xe với ô tô, xe mô tô và xe gắn máy. Giá khởi điểm của một biển số ô tô không thấp hơn 40 triệu đồng; một biển số xe mô tô, xe gắn máy không thấp hơn 5 triệu đồng. Tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá.
Nhiều quy định mới về đường cao tốcCùng ngày, với 447/454 ĐB tán thành, QH thông qua dự án luật Đường bộ, có hiệu lực thi hành kể từ 1.1.2025. Luật mới dành riêng 1 chương để quy định các vấn đề liên quan đến đường cao tốc.
Theo đó, đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch và đồng bộ các công trình sau: đường gom hoặc đường bên; trung tâm quản lý, vận hành giao thông tuyến đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ; công trình kiểm soát tải trọng xe.
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực đầu tư và quy hoạch, cơ quan quyết định chủ trương đầu tư có thể quyết định việc phân kỳ đầu tư, xác định việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy mô làn xe quy hoạch hoặc tiến độ dự án được xác định trong quyết định chủ trương đầu tư.
Riêng với trạm dừng nghỉ, luật nêu rõ phải xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố. Vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe được xác định ngay khi lập dự án, thiết kế xây dựng.
Vẫn theo quy định tại luật này, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với 2 trường hợp: Thứ nhất là đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công. Thứ hai là đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.