Bà Lê Thiện Huỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cung cấp thông tin đáng chú ý tại buổi họp báo chiều 27-6

Chiều 27-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở TT-TT TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Bà Lê Thiện Huỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn TPHCM xuất hiện tình trạng nhiều loại thuốc, thậm chí là có thuốc kê đơn được quảng cáo, rao bán tràn lan trong các hội nhóm trên mạng xã hội.

Điều này có thể khiến người tiêu dùng mua phải các loại thuốc pha trộn kém chất lượng.

Theo bà Lê Thiện Huỳnh Như, kinh doanh dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc xuất hiện hiện tượng quảng cáo thuốc qua mạng xã hội trong thời gian qua là do các phương tiện thông tin, trang mạng xã hội ngày càng phổ biến, được sử dụng như một công cụ bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm.

Tuy nhiên, việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử vẫn chưa được pháp luật công nhận. Do vậy, việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream là vi phạm pháp luật, do không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong công tác quản lý.

Trước tình hình trên, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra độc lập khi có đơn thư phản ánh việc quảng cáo hoặc bán thuốc qua mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) hoặc lồng ghép kiểm tra quảng cáo trong các chuyên đề.

Quá trình thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Sở gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội như khó khăn trong việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo (bao gồm công ty sở hữu sản phẩm, nhà phân phối, người sở hữu website, chủ tài khoản, cá nhân người thực hiện quảng cáo sản phẩm trong các video quảng cáo); địa chỉ kinh doanh ảo; hình thức giao dịch qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định... gây khó khăn trong xử lý vi phạm.

Khi được cơ quan chức năng mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử hoặc không đến. Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh của người dân để quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó 1 vụ việc được chuyển cho Công an TPHCM.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM

Cũng tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM đã trả lời một số câu hỏi về tình hình an ninh trật tự. Theo đó, ông Hà cho biết, tội phạm lừa đảo qua mạng thường hoạt động có tổ chức, có tính ẩn danh, tội phạm mang tính quốc tế cao, luôn chuẩn bị sẳn phương án để xóa dấu vết, với thủ đoạn tinh vi và luôn thay đổi thủ đoạn tiếp cận, chiêu thức lấy lòng tin để lừa đảo nạn nhân, vì vậy việc thông tin tuyên truyền, cảnh báo kịp thời là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền nhanh nhất, thường xuyên nhất, rộng rãi nhất đến mọi người dân, trong đó có chỉ đạo xây dựng ứng dụng (App) cảnh báo về ANTT, sẽ sớm hoàn thiện và ra mắt trong thời gian tới.

THÀNH CHUNG