Bầu không khí mù mịt do cháy rừng tại Tây Kelowna, Canada ngày 21/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/6 công bố báo cáo cho biết tính đến ngày 26/6, tổng cộng 6,8 triệu tấn khí thải carbon đã được thải ra từ các đám cháy rừng này. Con số này chỉ thấp hơn so với kỷ lục 16,3 triệu tấn được ghi nhận vào tháng 6/2020 và 13,8 triệu tấn vào tháng 6/2019.

Cộng hòa Sakha thuộc vùng Siberia của Nga là nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đám cháy. Theo Copernicus, chính quyền địa phương đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 11/6 khi các đám cháy bắt đầu bùng phát dữ dội.

Giáo sư Gail Whiteman, Đại học Exeter (Anh) và là người sáng lập nhóm chuyên gia Arctic Basecamp, cảnh báo Bắc Cực đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu. Theo bà, những đám cháy rừng ngày càng gia tăng ở Siberia là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hệ sinh thái quan trọng này đang đến gần các điểm nguy hiểm của khí hậu.

Bà Whiteman nhấn mạnh rằng tác động của biến đổi khí hậu tại Bắc Cực không chỉ giới hạn trong khu vực này. Theo bà, những thay đổi tại Bắc Cực đang làm gia tăng nguy cơ toàn cầu đối với tất cả con người.

Cháy rừng thải ra các khí nhà kính như carbon dioxide (CO2), góp phần làm nóng lên hành tinh, phá hủy các bể chứa carbon tự nhiên và làm giảm chất lượng không khí. Khói bụi từ các đám cháy cũng có thể bám trên băng, làm giảm khả năng phản xạ bức xạ mặt trời của băng, dẫn đến việc cả băng và đất hoặc biển bên dưới hấp thụ nhiều nhiệt hơn, tạo nên vòng xoáy biến đổi khí hậu.