Bên hành lang Quốc hội, nói về lý do đề xuất của mình, đại biểu Thân cho biết, nếu chúng ta không tính đến khả năng thực thì rất khó quy hoạch Thủ đô và Thủ đô Hà Nội lúc nào cũng trong tình trạng quy hoạch nhưng không thực hiện được do nguồn lực hạn chế, chưa nói đến việc diện tích mở rộng ra, dân số tăng lên nhanh chóng.
“Việc đề xuất của tôi người ta cứ nghĩ là sáng tạo nhưng không mang tính sáng tạo lắm. Bởi việc quy hoạch, xây dựng Thủ đô trong thành phố nhiều nước trên thế giới đã làm. Ngay ở trong nước của chúng ta đã thành lập Thành phố Thủ Đức trong TP. HCM”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nói.
Đại biểu Thân ví von, giống như một cái nhà, vì chúng ta nghèo nên phải tập trung đầu tư, trang bị cho phòng khách thật đẹp.
“Thủ đô Hà Nội là bộ mặt cả nước và hiện diện tích tự nhiên rất rộng. Do đó chúng ta không đủ nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển toàn bộ diện tích hiện có. Chính vì thế chúng ta nên tập trung vào khu vực nội đô”, đại biểu Thân nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân phân tích, Thủ đô Hà Nội cũng vậy, thay bằng phát triển trên toàn diện tích hiện có, mở rộng đầu tư ra khu vực ngoại thành thì chúng ta nên tập trung vào 5 - 6 quận nội thành.
“Do vậy tôi đề xuất lấy các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, còn toàn bộ diện tích Hà Nội hiện có là thành phố Hà Nội để nguồn lực có đến đâu ta đầu tư đến đó”, đại biểu Thân đề xuất.
Thứ hai, hiện nay Hà Nội rất may mắn vì trong khu vực nội đô vẫn giữ được phong cách, cốt cách của Hà Nội, vì chưa có những ngôi nhà chọc trời, các công viên, bờ hồ vẫn giữ được như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm...
“Do vậy bây giờ chúng ta chỉ cần tập trung nguồn lực để lấy khu vực quận Ba Đình làm trụ sở của các cơ quan nhà nước như Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ… Bây giờ chúng ta sẽ đầu tư vào hệ thống giao thông cho tốt hơn, trồng cây xanh nhiều hơn. Thậm chí những cây xanh cằn cỗi, nguy cơ gãy đổ thì chúng ta phải chặt đi để trồng cây mới vào cho đẹp hơn.
Chúng ta cũng cần tiến hành chỉnh trang đô thị, đường giao thông, vỉa hè và nhất là các khu phố cổ cho thật đẹp. Bên cạnh đó các di tích lịch sử nhưng đình, chùa, cột cờ Hà Nội… cũng chỉnh trang lại thì bộ mặt Hà Nội sẽ đẹp hơn”, đại biểu Thân phân tích.
Cũng theo đại biểu Thân, cùng với đầu tư khu vực nội đô, những khu vực bị ảnh hưởng như đường giao thông từ sân bay Nội Bài về trung tâm Thành phố phải triển khai làm cho thật đẹp để thu hút khách du lịch, thu hút văn hoá tốt hơn.
“TP Hà Nội có rất nhiều ưu thế để phát triển hơn các tỉnh khác. Tuy nhiên, 64 tỉnh, thành phố sẽ chỉ sẵn sàng đóng góp cho Thủ đô Hà Nội chứ không thể các tỉnh đóng góp cho thành phố Hà Nội. Do đó, Thủ đô Hà Nội phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không thể là trung tâm chính trị, kinh tế được.
Nếu chúng ta tư duy như thế chúng ta sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa theo đúng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị…chứ bắt Thủ đô Hà Nội làm cả kinh tế như các tỉnh, thành phố khác là không nên”, đại biểu Thân nói.
Về quan điểm lấy khu vực nào làm Thủ đô, đại biểu Thân cho biết nên lấy 5-6 quận nội thành làm Thủ đô, sau đó quy hoạch lại các cơ quan nhà nước, trong đó trụ sở Thành uỷ, UBND TP có thể phải đập đi để đầu tư làm lại đẹp đẽ hơn, bờ hồ phải chỉnh trang lại.
“Bên cạnh đó, 36 phố phường của Thủ đô Hà Nội cũng không được bắt chước những thủ đô của các nước khác là xây dựng những ngôi nhà cao tầng, ngôi nhà chọc trời, mà phải giữ được cốt cách của Hà Nội cổ xưa. Nghĩa là phải trồng nhiều cây xanh, phải chỉnh trang đô thị, bờ hồ để khi du khách đến với Thủ đô Hà Nội phải thấy được cây xanh mướt mát, thấy hồ và cuộc sống của người dân rất văn minh”, ông Thân nói.
Trước đó sáng 20/6, thảo luận tại Hội trường Quốc hội về việc Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Thân đề xuất có mô hình Thủ đô trong Thành phố Hà Nội.
Có nghĩa là các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn toàn bộ Hà Nội là Thành phố Hà Nội gồm tất cả các quận nội thành và những khu vực khác.
Theo đại biểu, mô hình này nhiều nước đã làm và kiến nghị: Ở trong các quận nội thành thì Thủ đô phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không phải là trung tâm chính trị, kinh tế. 36 phố phường cần phải giữ nguyên hiện trạng, kiên quyết không xây nhà cao tầng ở nội đô.