Vào ngày 25/6, cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 853. Hơn 1 triệu quân Nga và Ukraine tiếp tục chiến đấu trên mặt trận dài hàng nghìn km. Theo thông tin chiến trường của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine, hai bên đang ở thế giằng co và Quân đội Ukraine đang có những bất lợi.

Rõ ràng, Quân đội Nga muốn tiếp tục “cắt thành từng mảnh” Quân đội Ukraine và loại bỏ hoàn toàn tiềm lực chiến tranh của Kiev. Quân đội Ukraine chiến đấu kiên cường, không lùi bước và sẵn sàng “ăn miếng, trả miếng”. Trên chiến trường lúc này, chỉ có thể xem ai chịu đòn “lâu hơn” mà thôi.

Vì vậy, Quân đội Nga ở tiền tuyến hiện nay có một quy định bất thành văn đó là, phá hủy vũ khí hạng nặng của Quân đội Ukraine là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là phải loại bỏ những người điều khiển, được huấn luyện bài bản của Quân đội Ukraine.

Quy tắc này quả thực đơn giản và thực dụng, bởi vì Mỹ và NATO có thể liên tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhưng số người sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình để sử dụng những trang bị này là có hạn.

Tất nhiên, để tránh tổn thất lớn trong trận chiến tay đôi với Quân đội Ukraine, Quân đội Nga đang nỗ lực hết sức để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, sân bay quân sự và các mục tiêu chiến lược khác ở hậu phương Ukraine, dựa vào lợi thế các loại tên lửa.

Sau khi cho nổ tung cây cầu ở làng Saltov cũ ở phía đông Kharkov và đe dọa cắt đứt đường tiếp tế hậu cần của quân đồn trú tại Volchansk, ngày 15/6, Quân đội Nga đã tấn công cây cầu ở Skopje bằng hỏa lực pháo binh. Cây cầu này nằm cách đường cao tốc T0504 7 km, nối Chasov Yar và Konstansinovka, đe dọa trực tiếp đường tiếp tế của đồn trú Chasov Yar.

Suy cho cùng, nếu đường cao tốc lớn này bị Quân đội Nga cắt đứt, những người lính Ukraine bảo vệ Chasov Yar sẽ phải tiếp tế qua những con đường nông thôn nhỏ hoặc đường đất. Đối với chiến tranh hiện đại có mức tiêu hao cao, thì đây tuyệt đối là một đòn chí mạng.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Belousov, người rõ ràng giỏi hơn trong việc lập kế hoạch tổ chức, đã nỗ lực để tiêu diệt hoàn toàn ý chí phòng thủ của Quân đội Ukraine, thông qua một cuộc tấn công tổng thể vào căn cứ tiếp tế của Quân đội Ukraine.

Đối mặt với Quân đội Nga mạnh hơn mình cả về quân sự lẫn hỏa lực, sự tự tin của Quân đội Ukraine phải đến từ sự hỗ trợ của NATO. Vào ngày 15/6, Kiev và NATO đã tổ chức Hội nghị Hòa bình Ukraine tại Bürgenberg, Thụy Sĩ.

Tổng thống Pháp Macron, người trở thành nhân vật nổi bật đầu tiên tại hội nghị, do người đứng đầu các cường quốc không tham dự, đã nói rõ rằng không ai ở đây muốn gây chiến với Nga. Vì vậy, ông kêu gọi mở rộng quy mô hội nghị, điều này rõ ràng có nghĩa là Nga cũng nên tham gia vào những hội nghị quốc tế như vậy.

Lời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel thì đơn giản hơn: Hòa bình giữa Ukraine và Nga đòi hỏi phải có đối thoại giữa hai bên, nhưng Kiev có quyền quyết định khi nào đối thoại có thể bắt đầu.

Cố vấn An ninh Tổng thống Mỹ Sullivan đã ngay lập tức tiếp lời và bày tỏ thái độ của Nhà Trắng: "Hy vọng Ukraine sẽ “ở trạng thái tốt nhất trên chiến trường” và do đó “ở trạng thái tốt nhất khi đàm phán”. Nói cách khác, quan điểm của Mỹ vẫn là Ukraine chỉ đàm phán với Nga sau khi giành được thắng lợi trên chiến trường, nếu không sẽ chiến đấu đến người cuối cùng.

Để khiến Quân đội Ukraine nỗ lực chiến đấu, thì việc Mỹ quyết tâm hỗ trợ cho Quân đội Ukraine là điều đương nhiên. Nhưng trong một tuyên bố khác, thì ông Sullivan lại nói rõ rằng, Chính phủ Mỹ hiện tại không thể đảm bảo rằng, họ sẽ thực hiện thỏa thuận an ninh đã ký với Ukraine trong trường hợp thay đổi tổng thống?

Mặc dù đây là sự thật mà mọi người đều biết qua các đời tổng thống Mỹ, nhưng khi được nói ra tại Hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ, nó chắc chắn sẽ khiến quân Ukraine ở tiền tuyến dao động tư tưởng.

Suy cho cùng, chiến dịch bầu cử ở Mỹ ngày càng căng thẳng, ai có thể đảm bảo rằng ông Trump, người luôn đe dọa chấm dứt chiến tranh ở Ukraine “trong vòng một ngày”, sẽ không vào Nhà Trắng lần thứ hai?

Tuy nhiên, ngay cả sau khi ông Trump lên nắm quyền, việc kết thúc nhanh chóng cuộc chiến ở Ukraine cũng không phải là điều dễ dàng. Ngọn lửa do tên lửa Nga tấn công vào khu công nghiệp Kiev đêm 12/6 đã khiến hàng trăm lính cứu hỏa Kiev phải chiến đấu trong 3 ngày và mãi đến 5 giờ sáng ngày 15/6 mới được dập tắt hoàn toàn.

Còn trên chiến trường Ukraine, giờ đây gần một triệu quân Nga đang “hừng hực khí thế chiến đấu”, vậy làm sao có thể dễ dàng ngăn cản được họ? Và điều cốt lõi là Ukraine chắc chắn sẽ không hy sinh lợi ích dân tộc, khi “đổi đất lấy hòa bình”, thì làm sao ông Trump có thể “kết thúc cuộc chiến trong một ngày”? (Nguồn ảnh: CNN, Reuters, Topwar, Sina, TTXVN).