Khoảng 61 triệu cử tri Iran đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 diễn ra ngày 28/6, với kỳ vọng chính quyền của tân tổng thống sẽ đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn cùng vô vàn thách thức hiện nay.
Cuộc bầu cử, được tổ chức sớm một năm do Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5 tại tỉnh Đông Bắc Azarbaijan, diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải vật lộn với nhiều khó khăn kinh tế do tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng như hậu quả từ "dư chấn" của tình trạng bất ổn trong nước từ tháng 9/2022 đến đầu năm ngoái.
Lạm phát tăng vọt và đồng nội tệ rial "lao dốc không phanh" đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mặc dù kinh tế Iran ghi nhận các mức tăng trưởng 2,51% năm 2022 và 2,05% năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm mạnh từ mức 486,63 tỷ USD năm 2017 xuống còn 367,97 tỷ USD năm 2023.
Lạm phát hiện vẫn ở mức trên 35%, sau khi ghi nhận 49% năm 2022 và 42,5% năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở trên mức 10%.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị khu vực, nhất là xung đột Israel-Hamas và căng thẳng leo thang với Israel, ngày càng diễn biến phức tạp. Hơn nữa, Iran cũng đang đối mặt với những căng thẳng ngoại giao liên quan chương trình hạt nhân của mình.
Mối quan hệ của Tehran với phương Tây vẫn tiếp tục xấu đi, đặc biệt sau khi cuộc chiến Gaza nổ ra ngày 7/10/2023. Quan hệ của nước này với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng trở nên căng thẳng.
Cùng với đó là bế tắc trong tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được tháng 7/2015 nhưng sau đó 3 năm, Mỹ đã rút khỏi.
Tuy nhiên, giới phân tích khu vực và quốc tế nhận định bất chấp những vấn đề nội tại do tác động của các lệnh trừng phạt, dưới thời cố Tổng thống Raisi, Iran cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trên trường quốc tế.
Chính sách hướng Đông và chiến lược tăng cường quan hệ với các quốc gia láng giềng Arab, chẳng hạn như thỏa thuận nối lại quan hệ với Saudi Arabia, đã mang lại sự năng động cho chính sách đối ngoại của Iran. Quan hệ của Iran với Trung Quốc và Nga ngày càng được củng cố và tăng cường.
Iran đã cố gắng duy trì "sự cân bằng răn đe" sau các cuộc đối đầu gần đây với Israel và tránh được cuộc chiến khu vực bằng cách mở các kênh liên lạc với Mỹ. Đây là tiền đề tích cực cho nhà lãnh đạo mới.
Trong bối cảnh như vậy, cuộc bầu cử ngày 28/6 được cho có thể mang lại diện mạo mới cũng như những đổi thay tích cực cho đất nước, với một chính quyền có năng lực quản trị tốt hơn.
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã nhấn mạnh rằng đất nước cần một tổng thống năng động, chăm chỉ, hiểu biết và nguyên tắc, tin tưởng vào các nguyên tắc của cuộc cách mạng để bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như củng cố chiều sâu chiến lược của Iran trong các vấn đề quốc tế phức tạp.
Cuộc đua giành ghế tổng thống diễn ra giữa 6 ứng cử viên gồm Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Qalibaf (62 tuổi); Phó Tổng thống Amir Hossein Ghazizadeh Hashemi (53 tuổi); ông Saeed Jalili (58 tuổi) - cựu Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao, từng là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran; ông Masoud Pezeshkian (69 tuổi) - nghị sỹ theo đường lối cải cách và là cựu Bộ trưởng Y tế; ông Mostafa Pourmohammadi (64 tuổi) - từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ; ; ông Alireza Zakani (58 tuổi) - Thị trưởng Tehran.
Trong số các ứng cử viên, ông Pezeshkian là người duy nhất theo chủ nghĩa cải cách, trong khi 5 ứng cử viên còn lại đều theo đường lối bảo thủ cứng rắn. Trước khi bước vào cuộc đua, các ứng cử viên đã trải qua 5 cuộc tranh luận trực tiếp từ ngày 17-25/6, trong đó họ cam kết cải thiện nền kinh tế đất nước, kiên quyết đấu tranh chống nạn tham nhũng, đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám...
Các ứng cử viên theo đường lối cứng rắn đều tuyên bố sẽ nỗ lực hướng tới việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ứng cử viên cải cách duy nhất, ông Massoud Pezeshkian, khẳng định sẽ tìm cách xây dựng các mối quan hệ khu vực và toàn cầu để đạt được sự phát triển thịnh vượng.
Theo giới quan sát quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Mohammad Bagher Ghalibaf có triển vọng đắc cử nhất. Ông là chính trị gia bảo thủ thực dụng với hàng chục năm kinh nghiệm, từng là chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng, cảnh sát trưởng, thị trưởng Tehran.
Môt chính trị gia bảo thủ khác, ông Saeed Jalili hiện là thành viên Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, được coi là một gương mặt chính trị tương đối mới, nhưng lại được lòng những người ủng hộ khuynh hướng cách mạng Thanh giáo trong phe chính trị bảo thủ của Iran.
Cuối cùng là Masood Pezeshkian, người theo chủ nghĩa cải cách lâu năm trong Quốc hội Iran và từng giữ chức Bộ trưởng Y tế dưới thời Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Mohammad Khatami.
Các ứng cử viên tổng thống chỉ có thể giành chiến thắng nếu nhận được hơn 50% số phiếu bầu. Trong trường hợp không có người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 5/7 giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất.
Nhiệm vụ trọng tâm của tân tổng thống cùng ban lãnh đạo mới tại Iran sẽ không dễ dàng, đó là vực dậy nền kinh tế và giải bài toán khó trong chính sách đối ngoại để hướng tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đòi hỏi Iran phải có cách tiếp cận linh hoạt và phù hợp để phá vỡ bế tắc hiện nay.
Bên cạnh những cải cách cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống của người dân và chống tham nhũng, Iran cũng cần áp dụng chính sách đối ngoại linh hoạt, xây dựng lòng tin và cải thiện hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực nhằm duy trì môi trường hòa bình và ổn định tại Trung Đông, qua đó phát huy được các tiềm năng sẵn có để tái hội nhập nền kinh tế toàn cầu và mang lại sự thịnh vượng cho đất nước./.