Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông tiếp nhận một cá thể rùa sa nhân quý hiếm do ông Hồ Thanh Hào, trú tại thôn A2, xã Hương Sơn (Nam Đông, Thừa Thiên Huế) tự nguyện giao nộp. Cá thể rùa này được ông Hào phát hiện khi làm nương rẫy và ông đã báo cơ quan chức năng với mong muốn thả nó về môi trường hoang dã. (Ảnh: KLTTH)

Rùa sa nhân (tên khoa học Cuora Mouhoti) được biết đến là một trong những cá thể rùa có kích thước trung bình trong các loài rùa cạn và rùa nước ngọt khác ở Việt Nam. Loài rùa này cùng với rùa núi viền, rùa núi nâu là những loài rùa rất quý hiếm và đang bị đe dọa.

Mai của rùa sa nhân dài khoảng 18cm, có màu sắc thay đổi từ nâu sáng đến nâu đen. Trên mai có 3 gờ rõ ràng. Trong đó 2 gờ được đối xứng 2 bên qua gờ sống lưng tạo thành một mặt phẳng nhô cao. Các tấm rìa ở phía đằng cuối mai có dạng hình răng cưa.

Phần yếm có thể giúp khép một phần thân trên của yếm vào với mai. Những con đực thường có yếm lõm ở phía bên dưới, cá thể rùa cái thường có yếm phẳng. Yếm của rùa sa nhân có màu vàng nhạt hoặc màu nâu và có xuất hiện viền đen xung quanh yếm.

Loài rùa này có mắt màu đỏ. Đầu của loài này khá to so với một số loài rùa khác, có màu vàng cho đến màu nâu đậm. Một số những cá thể rùa núi viền khác lại có màu xám hơi đen, phần da ở đỉnh đầu cứng.

Đối với cá thể rùa đực thì đuôi của chúng thường to và dài hơn đuôi con cái. Rùa sa nhân có phần chân khá dài, giúp cho cơ thể được nâng cao so với mặt đất và giúp chúng có thể di chuyển nhanh nhẹn hơn. Da chân của chúng dày, có vảy. Phần móng chân chắc khỏe giúp chúng có thể di chuyển và đào đất tốt hơn trong khu vực rừng núi.

Kích thước của loài rùa này khi trưởng thành thường từ 145 – 180mm. Kích thước dài nhất mà rùa sa nhân có thể đạt được là khoảng 205mm. Trọng lượng: Với những cá thể rùa sa nhân trưởng thành nặng từ 500 – 1kg. Trọng lượng lớn nhất có thể lên tới 1,3kg.

Đối với rùa sa nhân trưởng thành thường không có sự biến đổi nhiều về trọng lượng. Sự tăng giảm trọng lượng có thể phụ thuộc vào thời tiết và nguồn thức ăn. Vào cuối thu trọng lượng của loài này có thể đạt cao nhất.

Rùa sa nhân thường sống trong rừng còn tốt, thường ẩn mình dưới các lớp lá mục, cỏ khô, gỗ mục. Chúng thường giao phối và kiếm ăn vào mùa xuân, hè khi nhiệt độ ấm áp. Đến mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp chúng sẽ ngủ đông.

Rùa sa nhân là một trong những loài động vật ăn cỏ, thức ăn chủ yếu của chúng là các loài thực vật nhỏ hoặc trái cây rụng. Nhiều trường hợp chúng vẫn có thể ăn một số loài như ốc, giun và một số loại cá nhỏ khác.

Cá thể loài rùa này thường phân bố chủ yếu ở phía Đông Ấn Độ, Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, rùa sa nhân thường phân bố ở một số vùng rừng núi như Lào Cai, Thái Nguyên, Tam Đảo, Ba Vì, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Mời quý độc giả xem thêm video: Cận cảnh 5 loài rùa biển quý hiếm của Việt Nam liệt kê trong Sách Đỏ.