Trong buổi tiếp ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trang Nghiêm và các lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng; cho biết Việt Nam đang tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi và các chính sách ưu đãi thỏa đáng, đặc biệt trong các lĩnh vực thu hút đầu tư.
Hoan nghênh sự chủ động của tập đoàn khi đưa ra các đề xuất hợp tác hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách, quy hoạch thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung đến với Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tập đoàn tiếp tục trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trước mắt, phối hợp với thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu hợp tác triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc, Hà Nội, trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; đồng thời phối hợp với các địa phương của Việt Nam, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc để hợp tác phát triển hạ tầng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương nói riêng triển khai các dự án đầu tư kinh doanh bền vững, hiệu quả, thành công, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nghiêm Thánh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị và các cán bộ cấp cao của Tập đoàn Thiên Doanh – Tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mới không carbon, dịch vụ môi trường thông minh và tái chế. Tại Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư 4 dự án điện rác ở Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hải Dương, tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; đồng thời là thị trường có nhu cầu năng lượng lớn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới. Thông tin về Quy hoạch điện VIII và các cơ chế, chính sách liên quan ngành điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới; nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam mà tập đoàn có thế mạnh như xử lý rác thải, năng lượng điện tái tạo, điện hydrogen…
Cùng với đó, tập đoàn hợp tác đầu tư, hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng gắn với các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm chế biến, chế tạo; phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng: thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ…; hợp tác, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, điều độ, lưới điện thông minh…
Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rời Bắc Kinh về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác.
Tin liên quan
Hợp tác phát triển hạ tầng Việt Nam – Trung Quốc Hướng tới thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện Việt Nam tại Đại Liên, Trung Quốc
LAM ĐIỀN