Rheinmetall, công ty quốc phòng nổi tiếng của Đức, đã tiết lộ về một hệ thống tiên tiến có khả năng triển khai nhanh chóng một số lượng lớn máy bay không người lái tấn công, nhằm vào các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Trọng tâm của hệ thống này là một container vận chuyển, được thiết kế kiểu mô-đun có khả năng chứa tới 126 máy bay không người lái cảm tử và chúng luôn trong tình trạng sẵn sàng hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về bệ phóng đạn dược di động Hero của Rheinmetall vẫn còn khá hạn chế.
Theo The War Zone, Rheinmetall đã hợp tác với công ty vũ khí UVision của Israel để tạo ra một bệ phóng di động, có kích thước bằng với một container biển tiêu chuẩn 20ft.
Bản vẽ đầy đủ về hệ thống phóng container phóng các loại UAV Hero của Rheinmetall.Từ hình ảnh minh họa có thể thấy rõ thiết kế ba phần của container, mỗi phần chứa 42 ô phóng, tổng cộng là 126 máy bay không người lái tấn công. Những máy bay không người lái này có thể tấn công các mục tiêu ở phạm vi lên tới 60 km, thời gian bay trên không tối đa một giờ, chúng sẽ tấn công mục tiêu bằng đầu đạn nổ mạnh hoặc xuyên giáp.
Một khía cạnh đáng chú ý khác của hệ thống này là phóng UAV Hero và các biến thể của nó, điều này cho phép người vận hành điều khiển các máy bay không người lái và hướng dẫn chúng theo thời gian thực. Thiết kế mô-đun này giúp cho hệ thống có thể được điều chỉnh để phù hợp với nhiều kích cỡ container khác nhau, dài từ 3 đến 12 mét.
Các chuyên gia quân sự đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của việc sử dụng bệ phóng container trong lĩnh vực hàng hải. Bệ phóng này khi được triển khai trên tàu có thể nhắm mục tiêu hiệu quả vào các tài sản quan trọng của đối phương, gây áp đảo các hệ thống phòng không bằng số lượng lớn UAV.
Tờ quảng cáo của Rheinmetall bao gồm bản dựng bệ phóng container cùng các phiên bản UAV Hero.Bệ phóng UAV có thể được triển khai trên nhiều nền tảng rất đa dạng, bao gồm từ bệ phóng ống đơn di động đến bệ phóng đa nòng được tích hợp trong xe bọc thép và được triển khai trên cả tàu có người lái và không người lái.
Điều thú vị là Đức không phải là quốc gia duy nhất tạo ra hệ thống phóng máy bay không người lái theo kiểu bầy đàn. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu công nghệ tương tự, mặc dù ở quy mô khiêm tốn hơn. Trung Quốc từng giới thiệu một nguyên mẫu được thử nghiệm gắn trên xe tải, có thể mang theo tới 48 máy bay không người lái cảm tử.
Những máy bay không người lái này không chỉ tấn công các mục tiêu trên không, mà chúng còn có thể giải quyết được các mối đe dọa nhỏ trên mặt nước và dưới nước, bao gồm cả những chiếc thuyền không người lái chở đầy chất nổ.
Mới đây, một cuộc tấn công bằng tàu không người lái mặt nước của Houthi ở Biển Đỏ, đã khiến tàu chở hàng M/V Tutor treo cờ Liberia bị hư hỏng nặng và cuối cùng bị chìm. Điều này cho thấy được sự nguy hiểm của các loại tàu không người lái mặt nước trong điều kiện chiến tranh hiện đại và sự cần thiết của các thiết bị đối phó như bệ phóng UAV bầy đàn.
Sự phát triển của loại công nghệ như trên, với khả năng phóng cả bầy máy bay không người lái tấn công, đang đặt ra thách thức đáng kể cho các hệ thống phòng không, buộc quân đội các nước phải đổi mới các chiến thuật và biện pháp đối phó mới.
Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)