Ngày 27/6, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tổng sản lượng điện toàn tổng công ty 6 tháng ước đạt 8.574 triệu kWh, đạt 98% kế hoạch 6 tháng mà PVN giao và bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu hợp nhất nửa đầu năm của PV Power ước đạt 16.169 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu công ty mẹ ước đạt 13.120 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nộp ngân sách Nhà nước toàn tổng công ty 6 tháng ước đạt 325,4 tỷ đồng.

Về kế hoạch sản lượng, Tổng Giám đốc PV Power thống nhất từ nay đến cuối năm “không chạy theo sản lượng”, lấy chỉ tiêu tối ưu hóa lợi nhuận làm mục tiêu chính, đồng thời đề nghị lãnh đạo các đơn vị phối hợp với Ban Thương mại, các ban chức năng của tổng công ty nhằm đưa ra các quyết định kịp thời về mục tiêu sản lượng, bao tiêu, hàng tồn kho, cân đối lợi nhuận…

Đối với hoạt động đầu tư, thống nhất mục tiêu đốt lửa lần đầu Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 vào ngày 15/9, nỗ lực rút ngắn tiến độ chung dự án. Đối với Dự án điện khí LNG Quảng Ninh, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ chấp thuận phê duyệt dự án và đấu thầu EPC…

Ảnh: PV Power.

Trong báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán BSC cho biết theo dự báo NOAA, trong tháng 6 và tháng 7, thời tiết sẽ có xu hướng trung tính, đến tháng 8 xác suất xảy ra hiện tượng La nina sẽ cao hơn 75% và tăng dần đến cuối năm 2024. Như vậy các nhóm nhà máy thủy điện sẽ có thể tăng trưởng sản lượng tốt hơn vào nửa cuối năm.

Trái lại, các nhà máy điện khí NT1 và NT2 đối mặt với tình trạng thiếu khí. BSC cho hay nguồn cung khí ở các mỏ gần bờ đang suy giảm do đó nguồn khí luôn được ưu tiên cho NT2 trước NT1.

Sản lượng điện của hai nhà máy này có thể tăng trong quý II và quý III để bù đắp phần thiếu hụt của thủy điện.

Trong năm 2024, sản lượng Qc giao cho NT2 là 1,3 tỷ kwh (giảm 60% so với 2023), công ty chứng khoán này kỳ vọng với nhu cầu điện tăng cao và giá điện thị trường hấp dẫn sẽ giúp NT2 có thể phát điện thêm 300 triệu kwh và đạt 1,6 tỷ kwh cho cả năm.

Trong năm 2025, các nhà máy điện khí BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 sẽ hết được bao tiêu khí, từ đó giúp NT2 có thêm nguồn cung khí và hồi phục dần sản lượng điện từ năm 2025 trở đi.

Còn Nhà máy Cà Mau 1, 2 và Vũng Áng 1 có thể được tăng cường huy động nhờnhu cầu điện tăng cao, sản lượng thủy điện suy giảm do thời tiết nắng nóng và giá nhiên liệu than và khí duy trì mức thấp.

Chốt phiên 28/6, cổ phiếu POW dừng ở mốc 14.900 đồng/cp, tăng khoảng 23% trong vòng một tháng qua.