Các yếu tố nói trên đã tạo ra sự khan hiếm tài nguyên, tăng chi phí nguyên liệu đầu vào dẫn đến tăng chi phí, giá bán và sự giảm sút trong sức mua của người dùng, theo chia sẻ của ông Nguyễn Tấn Hưng - Giám đốc Kinh doanh AI khu vực phía Nam, FPT Smart Cloud tại sự kiện C-Talk chủ đề “Tối ưu nguồn lực, tái thiết chuỗi cung ứng thời đại số” hôm 27/06.

Ông Hưng cho biết, sau dịch COVID-19, hành vi mua sắm của tất cả xu hướng đều hướng về đa kênh, mong muốn có sự tương tác với doanh nghiệp, người mua hàng muốn đạt sự cá nhân hóa cao mà không muốn ra trực tiếp cửa hàng. Thống kê cho thấy 75% người dùng mong muốn được mua sắm omni-channel, 76% trong số đó muốn quy trình mua sắm của mình được cá nhân hóa. Trong bối cảnh đó, năng lực ứng dụng công nghệ mới như AI, RPA trở thành cách thức bắt buộc để gia tăng sức bền, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ tại C-Talk. Ảnh: Tiến Vũ

Ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc cấp cao TikiNOW Smart Logistics cũng nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng như việc vận hành hậu cần trong chuỗi cung ứng trên thị trường Việt Nam hiện nay rất phân mảnh, khi một doanh nghiệp phải làm việc với nhiều đơn vị và đầu mối khác nhau để quản lý từ khâu sản xuất, vận chuyển từ nhà máy đến kho bãi rồi quản lý phân phối, kiểm soát hàng tồn kho và cuối cùng là kiểm soát chất lượng hàng hóa giao tới tay người dùng cuối.

Qua nhiều công đoạn, chi phí logistics chiếm 80% chi phí tổng trong quản lý chuỗi cung ứng, theo nghiên cứu của Gartner. Các giám đốc chuỗi cung ứng đang đứng trước thách thức cần tối ưu hóa toàn bộ quy trình vận hành hậu cần và vận tải của doanh nghiệp.

Để thực hiện việc này, các nhà quản lý cũng như lãnh đạo thường tập trung vào hai khía cạnh. Thứ nhất, cắt giảm chi phí thông qua tự động hóa, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nguồn lực và thời gian xử lý, giảm thiểu tối đa các khoản lãng phí trong sai sót hóa đơn và quy trình thanh toán. Thứ hai, tối ưu nguồn lực thông qua các hệ thống ERP chặt chẽ, loại bỏ các quy trình thừa trong vận hành logistics và nâng cấp các công cụ, hệ thống để có thể đưa ra dự báo cung ứng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc cấp cao TikiNOW Smart Logistics - Ảnh: Tiến Vũ

Ông Dương Việt Tùng - Giám đốc vận hành FPT akaBot thông tin, theo báo cáo chuyển đổi số Việt Nam 2023, có 80% số doanh nghiệp được khảo sát trong ngành logistics đã triển khai hệ thống theo dõi và quản lý vận tải (TMS), 70% doanh nghiệp đã áp dụng sàn giao dịch điện tử (e-marketplace) và có 60% trong số đó đã sử dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, đối với các ngành bán lẻ hoặc sản xuất, việc triển khai các hệ thống quản lý sản xuất (ERP) hay sử dụng robot tự động hóa và AI trong quản lý kho vận, hàng hóa cũng được hơn 50% doanh nghiệp ứng dụng.

Theo ông Thọ, việc lựa chọn công nghệ phù hợp với từng giai đoạn chuyển đổi, với từng mắt xích của quy trình vận hành để giúp doanh nghiệp tối đa hóa nguồn lực cũng là một trong các bài toán mà các lãnh đạo doanh nghiệp cần cân nhắc. Tự động hóa bằng robot (RPA) là công nghệ lõi thường được doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn đầu chuyển đổi số để loại bỏ các tác vụ thủ công trong việc quản lý hàng tồn kho, tăng tính chính xác tới 99.9% và giảm 70% nguồn nhân lực.

Trong khâu quản lý kế toán - tài chính, việc loại bỏ mọi sai sót, giảm thiểu rủi ro trong kiểm soát hóa đơn điện tử cũng góp phần tiết kiệm chi phí. Đại diện Daikin Việt Nam, bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Kế toán tài chính cho rằng cắt giảm chi phí, không phải là giảm chi phí bằng mọi giá mà là tối ưu hóa, hiểu được các loại chi phí, các nhân tố ảnh hưởng để điều tiết giảm nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Daikin Việt Nam đã cùng FPT akaBot triển khai công nghệ lõi RPA kết hợp cùng AI & OCR để xử lý tự động hơn 40,000 hóa đơn đầu vào mỗi năm, giúp tiết kiệm 75% thời gian và giảm 99.9% chi phí khi có rủi ro, sai sót trong hóa đơn.

Bên cạnh nguồn nhân lực số từ robot ảo, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa thông minh. “95% nhà bán lẻ toàn cầu sẽ đầu tư hoặc thử nghiệm GenAI trong các hoạt động cải thiện dữ liệu sản phẩm và hỗ trợ khách hàng vào năm 2027” - ông Hưng cho hay.

Một trong những ứng dụng tiềm năng nhất của GenAI trong hoạt động quản lý chuỗi cung ứng ông Hưng đề cập là việc tự động hóa hơn 50% dịch vụ khách hàng, từ khả năng phân tích thông tin trong đoạn hội thoại để giúp các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đưa ra hành động, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng hơn.

AI những năm gần đây thay đổi rất biến thiên, trong đó nhờ cú hích từ chatGPT. Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đóng góp đến 4.4 ngàn tỷ USD/năm cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tiết kiệm 2.6 tỷ USD trong vận hành. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta tiếp cận công nghệ này nhanh chóng và vận hành hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ông Hưng cho biết, có 3 ứng dụng GenAI phổ biến nhất hiện nay gồm tự động hóa quy trình, giúp tự động hóa 50% dịch vụ khách hàng, phân tích thông tin giúp đưa ra hành động; quản lý tri thức: hệ thống hóa tri thức của doanh nghiệp, tìm kiếm và tổng hợp tài liệu để có thể dễ dàng phân phối cho từng; đào tạo và phát triển nhân sự: trợ lý ảo cho nhân viên, tự động hóa việc học và đào tạo, từ đó giúp nâng cao trải nhiệm của nhân viên, tạo văn hóa đặc sắc để nhân viên gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Tiến Vũ

FILI