Mẹo chọn mực tươi

Theo chia sẻ của một người kinh doanh thực phẩm biển có quê ở Hải Phòng, đối với người dân vùng biển, việc phân biệt được đâu là mực tươi ngon, đâu là mực chất lượng kém rất đơn giản tuy nhiên việc này lại không dễ đối với những người không sống gần biển.

Tùy theo độ tươi mà mực cũng sẽ có giá khác nhau. Để được giá, nhiều thương lái đem ngâm mực trong nước để mực nở ra. Mực ươn, có dấu hiệu hỏng sẽ được đem ngâm nước trong khoảng 5 tiếng. Khi mực ngậm nước, một con mực từ 1kg có thể tăng trọng lượng lên tới 1,5-1,7kg. Nếu mua phải loại mực này, khi xào nấu, mực sẽ ra rất nhiều nước, thịt mực teo lại còn rất ít. Trong khi đó, mực tươi vừa được đánh bắt lên đem đi cấp đông luôn sẽ không gặp phải tình trạng này.

Khi chọn mực, bạn nên lựa những con mực có thân trong veo. Nếu là mực cấp đông bằng kho lạnh thì mực sẽ có thành màu đỏ chót, máu tươi và có thể nhìn rõ các nháy.

Mực tươi khi vớt ra khỏi nước sẽ có màu sắc thay đổi, chuyển dần sang màu trắng. Với mực cấp đông lúc còn tươi thì thân mực sẽ chuyển trắng gần như toàn thân và chỉ còn một vài vệt đỏ.

Mực tươi mới đánh bắt thì phần thân còn các đốm màu nhấp nháy.

Mực tươi thì các đốm trên thân mực sẽ nháy liên tục.

Mực cấp đông có thân trắng nhưng thịt vẫn có độ trong. Các đốm nâu trên da mực có màu sắc rõ ràng, phần mắt vẫn sáng và da hơi hồng.

Mực sau khi đánh bắt nếu không được cấp đông luôn thì toàn thân sẽ chuyển dần sang màu trắng, các đốm không còn nhấp nháy nữa. Cấp đông loại mực không còn sống này thì thân mực sẽ trắng tinh và không có độ trong.

Mực vừa hết nháy được cấp đông hoặc đem đi chế biến luôn thì vẫn được coi là mực tươi, chất lượng vẫn tốt.

Nhiều người quan niệm mực càng trắng càng ngon nhưng mực cấp đông thân trắng, không có độ trong, các đốm trên thân mực không rõ thì chất lượng thường không tốt.

Không nên mua những loại mực có màu da tím, mắt đục, phần da trắng có màu trắng đục, không phải trắng trong. Những loại mực này thường là mực không tươi, được ướp ít nhất 2 ngày.

Ngoài ra, để nhận biết mực kém tươi, bạn hãy quan sát phần râu. Râu mực tươi sẽ quăn dần đều khi chạm vào và không duỗi mềm ra. Phần da ở đầu mực và thân mực phải có sự đồng nhất, đầu và thân gắn chắc chắn với nhau.

Nếu không ở gần biển, bạn nên mua loại mực cấp đông, hạn chế mua loại mực ướp đá. Việc ướp đá không đảm bảo giữ được sự tươi ngon của mực, làm cho chất lượng mực bị suy giảm, dễ biến đổi dinh dưỡng, không tốt cho người sử dụng.

Mẹo luộc mực giòn ngon, không bị tanh

Đối với mực tươi, bạn chỉ cần rửa sạch, loại bỏ phần túi mực. Để khử mùi tanh của mực, bạn có thể rửa mực với rượu và gừng đập dập.

Nếu sử dụng mực cấp đông, bạn chỉ cần lấy mực ra khỏi tủ, xả dưới vòi nước vài phút là mực sẽ mềm ra. Không nên rã đông mực quá lâu và không rã đông bằng lò vi sóng.

Chuẩn bị một nồi nước đun sôi, cho sả đập dập vào nồi. Đợi nước sôi già rồi thả mực vào. Nên cho mực từ từ để nước không bị nguội.

Với mực tươi, chỉ cần sử dụng sả là đủ giúp mực thơm ngon, không bị tanh.

Chọn được mực tươi ngon thì khi luộc mực sẽ căng tròn, giòn và không bị tanh.

Thời gian luộc mực sẽ tùy thuộc vào kích thước và số lượng mực. Với mực nhỏ thì chỉ cần 3 phút là đủ. Mực trứng hoặc con mực cỡ lớn hơn sẽ cần luộc lâu hơn một chút.

Khi mực chín thì vớt ra cho ráo bớt nước rồi xếp vào đĩa. Mực luộc nên được ăn nóng để cảm nhận được hương vị tươi ngon nhất. Có thể chấm mực tới tương ớt, mắm gừng, muối chanh ớt, sốt chấm hải sản...