MỌI NẺO ĐƯỜNG ĐỔ VỀ… QUẢNG TRỊ

Để có thể đặt chân đến Quảng Trị lúc 16 giờ hôm qua 28.6, ông Khammanh Keovilaysack, Chủ nhiệm CLB xe đạp tỉnh Chămpasak (Lào), đã vượt quãng đường gần 500 km, qua cửa khẩu quốc tế La Lay (H.Đakrông, Quảng Trị), theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đổ về QL9 mới đến được nơi hội quân. Một ngày rất dài, xuất phát từ 5 giờ sáng ở quê nhà bằng ô tô. "Đường xa thì phải mệt chứ! Nhưng sự hỏi han, chào đón của BTC, của những người bạn chủ nhà cùng đam mê đã khiến mọi sự mỏi mệt như biến tan", ông chia sẻ chân tình với PV Thanh Niên.

Vòng xe của nhiều VĐV đi qua cây cầu Hiền Lương lịch sử

Đón đoàn gồm 14 VĐV đến từ CLB xe đạp tỉnh Chămpasak (Lào) chiều qua, những thành viên của CLB xe đạp thể thao Quảng Trị dành rất nhiều nụ cười, những cái bắt tay và những cái ôm nồng nhiệt như thể họ là những người bạn thân lâu ngày mới gặp lại. Cũng đến từ "đất nước triệu voi", nhưng 10 VĐV của CLB xe đạp Savannakhet lại đi qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (H.Hướng Hóa), bám đường QL9, quãng đường ngắn hơn (khoảng 300 km) để về đất thiêng Quảng Trị. "Sống ở một tỉnh giáp biên, chúng tôi qua lại Quảng Trị đã nhiều, nhưng lần trở lại này cảm xúc khác hẳn. Vì chúng tôi biết sẽ có bè bạn đợi mình ở đó, sẽ có một cuộc chơi dành cho mình ở đó", VĐV Vorachak Singthong, thành viên CLB xe đạp Savannakhet, xúc động bày tỏ.

Các VĐV tập luyện dưới chân kỳ đài bờ bắc di tích lịch sử cấp quốc gia đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Với các VĐV trong nước, câu "bắc nam sum họp ở Quảng Trị" thực sự đúng theo nghĩa đen. Đến sớm nhất có lẽ là 7 thành viên của CLB xe đạp thể thao TP.Đồng Xoài (Bình Phước). Theo ông Vy Đức Kiên, 55 tuổi, Phó chủ nhiệm CLB, hành trình ra đất lửa Quảng Trị lần này khá "gian nan", nhưng vui. "8 giờ sáng 27.6, chúng tôi đóng gói hành lý và xe đạp để lên xe khách từ Bình Phước. Ra TP.Huế lúc 4 giờ sáng 28.6, và từ đây anh em chúng tôi đạp xe thêm 70 km ra TP.Đông Hà", ông Kiên kể.

Do nhiều lý do khách quan, đến 14 giờ hôm qua 28.6, nhóm 4 thành viên của CLB xe đạp Khỏe là vui Gia Lai mới xuất phát và dự kiến đến Quảng Trị khoảng 4 giờ sáng nay 29.6. "Có lẽ đoàn chúng tôi sẽ là đơn vị hội quân muộn nhất. Chúng tôi chỉ có khoảng 3 giờ đồng hồ để tham gia sự kiện diễu hành. Nhưng chúng tôi quyết tâm tham gia đầy đủ các sự kiện của ban tổ chức", bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (61 tuổi, thành viên Liên đoàn Xe đạp thể thao Gia Lai và CLB xe đạp Khỏe là vui Gia Lai), người đã ra Quảng Trị tiền trạm, nói với PV Thanh Niên.

SẴN SÀNG TRƯỚC GIỜ G

Chiều muộn, khi những ánh nắng cuối cùng bắt đầu tắt dần ở Di tích quốc gia đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, hàng chục thành viên BTC vẫn tất bật dưới chân kỳ đài. Tất cả đang chuẩn bị cho những khâu hậu cần cuối cùng cho lễ khai mạc. Từ mấy ngày trước, khu di tích này như khoác lên chiếc áo mới với cờ phướn rực rỡ, tung bay phần phật ở trên cả 2 chiếc cầu Hiền Lương cũ và mới. Ở phía cầu cũ, thật xúc động trước hình ảnh hàng chục lá cờ Tổ quốc tung bay. Còn ở cầu mới là hàng cờ cổ động màu xanh dọc lan can, cũng gây ấn tượng mạnh… Dưới chân kỳ đài, điểm nhấn là tấm pano đặt chính giữa, in biểu tượng của "Lễ hội Vì hòa bình" và "Ngày hội đạp xe Vì hòa bình", hòa quyện với nền trời xanh.

Đại diện CLB xe đạp thể thao Quảng Trị (thứ ba từ phải sang) đón tiếp các VĐV đến từ CLB xe đạp tỉnh Champasak, Lào

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, Trưởng BTC Ngày hội đạp xe Vì hòa bình, chia sẻ: "Đến giờ phút này, có thể tự tin khẳng định mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày hội lớn". Theo ông Tuấn, có lẽ chưa có một sự kiện về xe đạp phong trào nào ở Quảng Trị được tổ chức một cách chu đáo từ cơ sở hạ tầng, vật chất cho đến điều kiện đảm bảo về kỹ thuật, công tác truyền thông như 2 sự kiện diễu hành và đua xe của Ngày hội đạp xe Vì hòa bình. Nhưng điều ông tâm đắc nhất chính là việc có đến 600 VĐV đến từ 60 CLB xe đạp trong nước và quốc tế đã tề tựu về Quảng Trị. "Chúng tôi tin rằng Ngày hội đạp xe Vì hòa bình và cuộc đua sẽ thành công tốt đẹp", ông Tuấn khẳng định.

CUỘC ĐUA HỨA HẸN KỊCH TÍNH

Dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng Ngày hội đạp xe Vì hòa bình đã cho thấy sự lan tỏa, sức hút lớn đến cộng đồng cua-rơ phong trào. Theo bà Lê Thị Sen, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao VN, Trưởng ban Xe đạp phong trào toàn quốc, sự góp mặt của nhiều nhóm VĐV, cả nam lẫn nữ, từ trong nước đến nước ngoài, chính là điểm nhấn mà ngày hội mang đến. "Có thể nói, sự kiện Ngày hội đạp xe Vì hòa bình chính là nơi để kết nối, giao lưu, tăng tình đoàn kết và quảng bá hình ảnh của vùng đất Quảng Trị", bà Sen khẳng định.

VĐV Nguyễn Viết Hiệp (47 tuổi), niềm hy vọng có huy chương của CLB xe đạp thể thao Quảng Trị.

Cũng theo bà Sen, Ngày hội đạp xe Vì hòa bình với sự góp mặt của nhiều thành phần VĐV, đầu tư kỹ lưỡng về trang thiết bị kỹ thuật, hứa hẹn sẽ hấp dẫn không kém những cuộc đua chuyên nghiệp. "Sự tập luyện của các tay đua phong trào hiện nay rất đều đặn, bài bản. Sự tính toán chiến thuật cũng ngày càng cao. Ngày 30.6, khán giả và người mê đạp xe hứa hẹn sẽ được chứng kiến nhiều màn rượt đuổi kịch tính", bà Sen nói.

Cựu VĐV xe đạp chuyên nghiệp, tuyển thủ quốc gia Đinh Quốc Việt cũng dành lời ngợi khen cho ngày hội khi cho rằng mô hình mở rộng dành cho các CLB xe đạp phong trào đến từ nước ngoài chưa từng xuất hiện ở VN. Có lẽ, cuộc đua sắp tới ở Quảng Trị là lần đầu tiên. "Khi được cọ xát với các VĐV phong trào nước ngoài, các VĐV phong trào VN sẽ biết được rằng mình đang ở đâu, xét về thể lực, trình độ chuyên môn hay tính chiến thuật…", VĐV Đinh Quốc Việt khẳng định.

Đặc biệt, sự xuất hiện của công nghệ tính giờ điện tử "chip time" (tính thời gian hoàn thành đường đua của VĐV một cách chính xác và hoàn toàn tự động) cũng là yếu tố khiến nhiều chuyên gia chú ý hơn đến giải đua xe (trong khuôn khổ Ngày hội đạp xe Vì hòa bình). "Nhờ điều này, xe đạp phong trào VN sẽ tiếp cận gần hơn với tính chuyên nghiệp", ông Việt nói.

Theo bà Sen, kết quả thi đấu của các VĐV sẽ đảm bảo được tính công bằng, vì bên cạnh kết quả từ cách chấm và điều hành của trọng tài còn có các thông số kỹ thuật từ chip điện tử. "Chi phí để đầu tư cho "chip time" là khá lớn, qua đó cho thấy sự nghiêm túc của BTC đối với cuộc đua cũng như chu đáo với các VĐV tranh tài", bà Sen nói.

Sự kỳ vọng của giới chuyên môn, sự chuẩn bị nghiêm túc của BTC, sự sẵn sàng của các VĐV, sự háo hức của người hâm mộ… tạo nên rất nhiều niềm tin để những vòng xe chính thức lăn bánh, vào hội.

DIỄU HÀNH 42 KM

Theo lịch trình, Ngày hội đạp xe Vì hòa bình diễn ra trong 2 ngày. Ngày 29.6, tại Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (H.Vĩnh Linh), tất cả các tay đua, đại biểu, người đam mê bộ môn xe đạp không phân biệt giới tính, độ tuổi đều được tham dự lễ hội diễu hành. Sau khi chào cờ ở cột cờ giới tuyến Hiền Lương, đoàn diễu hành 42 km theo lộ trình: xuất phát từ Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đi qua cầu Hiền Lương đến ngã ba Trung Sơn (H.Gio Linh) rẽ vào Tỉnh lộ 76 và tiếp tục diễu hành đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, sau đó kết thúc tại Công viên Fidel (TP.Đông Hà).

Nguyễn Phúc