Đây là thông tin tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2024 do Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 28/6.
Quy mô kinh tế thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố của cả nước và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ, từ 69,26% của 6 tháng đầu năm 2023 lên 70,58% trong 6 tháng đầu năm 2024. Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực chotăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng và vượt cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,1 triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, tăng hơn 40%, khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 17,7%.
Chủ trì họp báo
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, cước vận tải tăng cao,... đang là rào cản khiến tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 6 tháng qua vẫn chưa đạt mức kỳ vọng. Khách du lịch tăng cao nhưng số ngày lưu trú giảm, xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách còn phổ biến.
Doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư, tiền thuê đất..., nên việc đầu tư mới hay nâng cấp sản phẩm dịch vụ còn hạn chế. Giá vé máy bay nội địa có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các nước nên người dân lựa chọn đi du lịch tại các điểm đến gần hoặc du lịch nước ngoài, ảnh hưởng nguồn khách du lịch nội địa.
6 tháng đầu năm, GRDP của Đà Nẵng tăng 5%
Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm tổng cầu yếu đi khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho rằng, năm 2024, thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
“Tiếp tục đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra”, ông Vụ nói.