Clip hàng nghìn người lao xuống đầm bắt cá cầu may
Sáng 29/6, tại đầm Vực Rào (thôn Nam Viên, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) diễn ra lễ hội đánh bắt cá Đồng Hoa. Lễ hội đánh bắt cá truyền thống Đồng Hoa tồn tại gần 300 năm qua.
Từ sáng sớm, người dân trong vùng và khu vực lân cận đã chuẩn bị dụng cụ đánh bắt cá từ lưới, nơm, vó... đi ra khu vực đầm Vực để tham gia lễ hội.
Đầm Vực Rào nơi diễn ra lễ hội truyền thống rộng khoảng hơn 30ha, nằm ven chân núi Hồng Lĩnh. Đây được xem là địa điểm tập trung nhiều loại cá nước ngọt. Lễ hội được tổ chức vào tháng 4 đến tháng 5 Âm lịch hằng năm với tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, đồng thời giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng cư dân làng xã.
Mỗi người một dụng cụ đánh bắt cá. Tương truyền nếu người nào bắt được nhiều cá to sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu suốt năm.
Tham gia lễ hội không chỉ các cụ cao niên, thanh niên trai tráng mà còn có cả phụ nữ, trẻ em đều thích thú lội xuống đầm với cuộc đua bắt cá.
Những người dùng nơm, vó sẽ được ưu tiên xuống bắt cá trước rồi mới đến lượt người dùng lưới, vó xuống sau. Người nào may mắn bắt được một con cá lớn sẽ hú lên một tiếng, tất cả mọi người đều ùa đến chia vui, tạo nên một không khí rộn ràng trong lễ hội.
Người dân địa phương cho biết đầm Vực Rào ngày thường họ không được bắt cá. Dân làng sẽ cắt cử người trông giữ và chỉ cho đánh bắt vào ngày hội được tổ chức mỗi năm một lần.
Người dân khoe chiến lợi phẩm.
Anh Nguyễn Thế Anh ( ở Xuân Phổ, Nghi Xuân) cho biết, khu vực này thường ngày chính quyền cấm không cho đánh bắt cá, mỗi năm chỉ được đánh một ngày duy nhất. Vì vậy người dân ai cũng hăng hái chuẩn bị công cụ từ nhiều ngày trước. Ngày hội này có từ lâu lắm rồi và nó trở thành truyền thống của người dân.
Những loài cá ở đầm chủ yếu là cá chép, cá mè, cá rô phi…
Nhiều nhóm phụ nữ đứng gần bờ để cất vó.
Ngoài người dân địa phương còn có rất đông người từ khắp nơi đổ về dự lễ hội.
Đại diện chính quyền địa phương cho hay, lễ hội năm nay thu hút hàng nghìn người tham gia. Lễ hội được tổ chức hàng năm mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người dân địa phương, với tinh thần khuyến nông, khuyến ngư.
Lễ hội là dịp để tạo nên sự gắn bó trong cộng đồng dân cư và phát huy tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, phát triển nông nghiệp nông thôn, rất phù hợp với phong trào xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.