Cảng Liên Chiểu đang được gấp rút xây dựng. Việc lập khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ gắn kết với cảng Liên Chiểu này - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định mô hình khu thương mại tự do không mới trên thế giới, vấn đề đặt ra lúc này là TP Đà Nẵng phải lập khu thương mại tự do thế hệ mới với cách làm, kiểu làm khác để mô hình này có thể cạnh tranh, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của TP này và cả vùng.
Ngoài ra còn cần thêm những khu thương mại tự do khác nữa.
Quy mô phải đủ lớnTheo TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, điều kiện của Việt Nam có vị trí địa lý hướng biển, thuận lợi cho hàng hải quốc tế, có nhiều nơi đang là cửa ngõ giao thương lớn nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên việc nghiên cứu phát triển mô hình khu thương mại tự do cần làm sớm để tận dụng thời cơ nhằm nối kết trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn theo TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khu thương mại tự do là hình thái kinh tế mở, hiện đại, được coi là động lực tăng trưởng kinh tế đã được nhiều quốc gia áp dụng.
"Tôi hy vọng với lợi thế có cảng biển nước sâu Liên Chiểu, sân bay quốc tế Đà Nẵng và trên nền tảng đô thị "đáng đến, đáng sống" thì khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo cú hích mạnh cho TP phát triển", ông Thiên nói. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý để khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành động lực thực sự thì phải được làm đúng lúc, đúng cách, kịp thời chứ làm quá muộn không có nhiều ý nghĩa.
Trước hết khu thương mại tự do Đà Nẵng phải đủ về mặt quy mô, đây là cái khó nhất của TP hiện tại. Nếu đề xuất quy mô xây dựng khu thương mại tự do khoảng 1.000ha thì rất nhỏ, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy để khu thương mại tự do tạo động lực cho một đô thị trung tâm vùng thì quy mô phải hàng trăm km2, tương đương quy mô một khu kinh tế rộng hàng chục ngàn ha.
"Một khu thương mại tự do cấp tỉnh của Trung Quốc có quy mô khoảng 200km2. Chúng tôi từng đề xuất quy mô khu thương mại tự do Đà Nẵng bao gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu cảng Liên Chiểu và khu sân bay của Đà Nẵng", ông Thiên nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu quy hoạch làm khu thương mại tự do quy mô quá nhỏ thì không đủ tạo ra động lực, khu thương mại tự do thế hệ mới phải tích hợp trong đó nhiều thứ. Đây không đơn thuần chỉ là khu bán hàng miễn thuế, mà nó phải là đô thị, cảng biển, phát triển công nghiệp công nghệ cao, gắn với trung tâm logistics, cảng biển.
Cần nhìn khu thương mại tự do Đà Nẵng như một động lực phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của đất nước thì mới giải quyết được vấn đề.
Khu thương mại tự do sẽ kết nối các khu công nghiệp, Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trong đó, Khu công nghệ cao được định hướng mở rộng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG Cơ chế càng tự do, hiệu quả càng cao
Phân tích về mô hình khu thương mại tự do, ông Trần Du Lịch phân tích khu thương mại tự do nằm trong nội địa nhưng lại áp dụng thông lệ quốc tế, thể chế vận hành khu thương mại tự do hoàn toàn khác, có hàng rào cứng bao quanh nên các nước gọi mô hình khu thương mại tự do là quốc gia trong quốc gia.
Còn theo ông Trần Đình Thiên, bản chất khu thương mại tự do là không bị trói buộc nên thể chế khu thương mại tự do càng tự do thì càng hấp dẫn. Tự do sẽ đòi hỏi quản trị tốt nên đòi hỏi những cá nhân, doanh nghiệp tham gia có chất lượng cao.
Vì vậy ông Thiên khuyến nghị khu thương mại tự do Đà Nẵng nên hướng tới thu hút các "đại bàng", những tập đoàn kinh tế có vai trò dẫn dắt, như vậy giá trị mở đường trong quá trình thí điểm mới cao được.
Nếu lập khu thương mại tự do ở đẳng cấp thấp chỉ có một phần nhỏ là bán hàng, miễn thuế sẽ không hoặc khó tạo ra động lực phát triển như mong đợi.
"Tư duy lập khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu thương mại tự do thế hệ mới với thể chế vượt trội, tạo hình mẫu phát triển cho quốc gia", ông Thiên khẳng định.
Trong khi đó, TS Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế thế giới - lại cho rằng nên thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch khu thương mại tự do để bảo đảm tính khả thi.
Ví dụ hiện nay Hải Phòng đã mời một tập đoàn của Mỹ vào lập quy hoạch khu thương mại tự do, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù theo hình mẫu của một số khu thương mại tự do đã thành công trên thế giới.
Từ đó Hải Phòng đã ký với đơn vị tư vấn lập quy hoạch hợp đồng, theo đó đơn vị tư vấn nước ngoài phải đảm bảo quy hoạch phải được thực hiện. Các đơn vị tư vấn nước ngoài đảm bảo được vì đằng sau họ là các tập đoàn xuyên quốc gia. "Như vậy chúng ta sẽ thu hút được vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhân lực chất lượng cao", ông Lược nói.
Đà Nẵng có nhiều lợi thế với sân bay quốc tế có thể phát triển mạnh về thương mại điện tử - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Thực hiện hai chính sách đột phá
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay, dòng đầu tư nước ngoài hiện đang sụt giảm rất nhiều và số còn lại đang có xu hướng dịch chuyển về Mỹ và các nước phát triển, một số còn lại đang phân chia và cạnh tranh giữa các nước trong khu vực.
Nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, dòng đầu tư đó sẽ về, không thì họ đi nước khác. Hiện Việt Nam đang cạnh tranh rất mạnh với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, Trung Quốc.
Trung Quốc lập các khu thương mại tự do với một phương châm không cầu toàn. Riêng khu thương mại tự do của Thượng Hải 12 năm họ sửa sáu lần, càng ngày càng mở, càng ngày càng cạnh tranh, có cái gì mới, cái gì hay là họ làm chứ không cầu toàn.
Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì với khu thương mại tự do có hai chính sách rất quan trọng.
- Thứ nhất: đột phá về thủ tục hành chính, phân cấp triệt để về thủ tục hành chính.
- Thứ hai: cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở đây mà không cần có dự án. Những nhà đầu tư lớn lập văn phòng là đương nhiên người ta đã có đóng góp, đương nhiên người ta vào đây không phải để chơi, người ta cũng sẽ lập dự án sau đó, nếu chúng ta ràng buộc ngay lúc đầu thì sẽ mất cơ hội.
Nên thêm nhiều khu thương mại tự doÔng Võ Đại Lược cũng cho hay ngoài Đà Nẵng, thời gian qua một số địa phương khác như Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất cho thành lập từ lợi thế sẵn có của các tỉnh, TP này.
Chẳng hạn, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có thể làm khu thương mại tự do quy mô lớn hơn vì mô hình khu thương mại tự do hiện nay là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu gồm: sản xuất, dịch vụ, logistics, thương mại và các loại dịch vụ xuyên biên giới.
Vì thế theo ông Trần Du Lịch, không cần chờ kết quả thí điểm xây dựng khu thương mại tự do Đà Nẵng xong mới mở rộng mô hình này mà hoàn toàn có thể cho phép một số nơi khác có điều kiện phát triển như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM thực hiện. Việc hình thành các khu thương mại tự do sẽ phát huy toàn bộ lợi thế chuỗi ven biển Việt Nam.
Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng việc cho phép thí điểm lập nhiều khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM, Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) là cần thiết, bởi công cuộc đổi mới hiện nay cần những động lực này để vượt lên. Trung Quốc đã thành công với khu thương mại tự do Hải Nam thế hệ mới, trở thành trung tâm hội tụ phát triển ở đẳng cấp cao, có sức hấp dẫn lớn, kéo cả thế giới đến.
* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách):
Cần tạo cơ chế mở hơn cho Đà Nẵng
Đà Nẵng có lợi thế rất riêng (cảng quốc tế, sân bay quốc tế, vùng du lịch quốc tế) có độ thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư và khả năng tạo ra yếu tố mang tính chất vượt trội để thu hút các nhà đầu tư một cách bền vững, lâu dài. Vì vậy việc hình thành khu thương mại tự do Đà Nẵng là rất phù hợp.
Trước đây một số địa phương đã đề xuất các mô hình tương tự nhưng chưa được chấp nhận.
Do vậy nếu mô hình khu thương mại tự do thành công ở Đà Nẵng sẽ tạo ra một mô hình mới ở Việt Nam trong thu hút các nguồn lực để tạo cầu nối phát triển trong nước, trở thành trung tâm phát triển ở miền Trung.
Hơn thế, đây sẽ là mô hình lan tỏa cho các vùng khác có điều kiện trong tương lai. Do vậy, cần tạo cơ chế, môi trường, không gian có tính hấp dẫn cho Đà Nẵng, trong đó có thể mở hơn các cơ chế nhằm biến khu thương mại tự do Đà Nẵng thành nơi thu hút khách du lịch đến để mua sắm hàng hóa...
* Đại biểu NGUYỄN DUY MINH (Đà Nẵng):
Đề xuất lập ban chỉ đạo cấp chính phủ
Việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là việc mới mẻ, chưa có ở Việt Nam. Các chính sách được thể hiện khá rõ trong nghị quyết, có báo cáo đánh giá tác động, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Các chính sách về mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế, ưu tiên thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ chế "một cửa" sẽ là những chính sách tạo ra sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản trị.
Cùng với đó tăng cường phân cấp, ủy quyền, rút ngắn các trình tự thủ tục. Từ đó tạo ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư chiến lược sớm triển khai các dự án trong khu thương mại tự do.
Để sớm triển khai có hiệu quả các chính sách thì HĐND, UBND TP phải tổ chức thực hiện nghị quyết, ban hành các quy định thuộc phạm vi, quyền hạn của mình.
Đối với khu thương mại tự do, đây là vấn đề mới, vấn đề khó, vì vậy rất cần thiết thành lập một ban chỉ đạo cấp chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế khi triển khai các chính sách thí điểm này.
* Đại biểu NGUYỄN DUY THANH (Cà Mau):
Giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ với các trung tâm kinh tế lớn
Việc cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của TP.
Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng.
Đồng thời khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng.
Ngoài ra việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó sẽ tạo điều kiện để hình thành các chính sách ưu đãi về thuế và các quy định tài chính, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.
Thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore thay vì Việt Nam do Singapore có các chính sách ưu đãi tài chính và thuế vượt trội. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do các quy định phức tạp và hạn chế.
Khu thương mại tự do sẽ giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore và Hong Kong, những nơi có các khu vực tài chính phát triển mạnh mẽ.
Cần thận trọng, có bước đi chắc chắnTrước đó, tại báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng.
Tuy nhiên đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam, nghị quyết mang tính chất thí điểm; các chính sách là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Do vậy cần thận trọng, có bước đi chắc chắn, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, mang tính rủi ro cao.
Hơn nữa các chính sách cần được nghiên cứu, xây dựng căn cứ trên khả năng tổ chức thực hiện, nguồn lực tài chính, điều kiện đáp ứng của TP Đà Nẵng. Do vậy tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ phạm vi chính sách như nghị quyết.