Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa có công văn gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT), UBND thị xã Điện Bàn, Công ty CP Xây dựng công trình 545 (Công ty 545) về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động Trạm thu phí BOT Điện Bàn.

Theo công văn, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với Công ty 545, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Khu Quản lý đường bộ III, UBND thị xã Điện Bàn.

Nhiều phương tiện lưu thông tới trước trạm BOT thì rẽ vào đường nhánh

Sau khi nghe Công ty 545 báo cáo tình hình dự án và ý kiến của đại diện các cơ quan trên, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, làm việc với Công ty 545 và các cơ quan, đơn vị liên quan sớm triển khai lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền.

Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống camera giám sát, kết nối dữ liệu đảm bảo tra cứu, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) tại các tuyến đường xung quanh Trạm thu phí BOT Điện Bàn.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty 545 có văn bản báo cáo tình hình hoạt động của Trạm BOT Điện Bàn, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất, gửi Sở GTVT để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ GTVT xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền, đúng quy định.

Trước đó, Công ty 545 liên tục có các văn bản gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và Trung ương, đề nghị xem xét có giải pháp xử lý tình trạng các phương tiện đi vòng tránh trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 qua thị xã Điện Bàn.

Nhiều ô tô rẽ vào khu dân cư, không đi qua trạm thu phí

Công ty 545 cho biết doanh nghiệp này là chủ đầu tư thực hiện và khai thác Dự án thành phần 1 mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km947 – Km987, tỉnh Quảng Nam theo hợp đồng BOT năm 2014. Trạm thu phí đặt tại Km943+975, thời gian thu phí hoàn vốn bắt đầu từ ngày 1-1-2016.

Khoảng thời gian đầu, nguồn thu tương đối ổn định, đảm bảo thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay ngân hàng đúng theo như tính toán trong phương án tài chính (PATC) của hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT.

Tuy nhiên, khoảng đầu năm 2018, tình hình thu phí thực tế qua trạm liên tục tụt giảm so với PATC trong hợp đồng.

Nguyên nhân chính là do việc hình thành hạ tầng các khu dân cư mới, đường ngang dân sinh theo quy hoạch của địa phương xung quanh trạm thu phí, dẫn đến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 chạy vòng tránh việc mua vé thu phí qua trạm.

Doanh nghiệp này cho rằng tình hình thu phí giảm đến 90% so với PATC hợp đồng. Nguồn thu không đủ trả lãi vay ngân hàng, dẫn đến việc không có kinh phí để duy trì chi phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên trên toàn tuyến theo như quy định hợp đồng BOT…