Báo cáo do Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố cho biết 29% trong số 69 ngân hàng trung ương được hỏi có ý định tăng dự trữ vàng 12 tháng tới, mức cao kỷ lục kể từ khi WGC bắt đầu khảo sát năm 2018.

Động lực tăng dự trữ vàng được thúc đẩy bởi mong muốn tái cân bằng chiến lược về nắm giữ vàng, nhu cầu sản xuất vàng trong nước và các mối lo ngại về thị trường tài chính bao gồm rủi ro khủng hoảng và lạm phát gia tăng.

Có 13% trong số các ngân hàng trung ương định tăng mua vàng ở những nước phát triển. Các nền kinh tế này cũng ngày càng bi quan về triển vọng của USD trong dự trữ toàn cầu, với 56% tin rằng tỷ trọng của đồng bạc xanh sẽ giảm so với mức 46% một năm trước.

Hơn 65% ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi có quan điểm tương tự. Họ cũng duy trì thái độ tích cực với tương lai của vàng trong dự trữ.

Những yếu tố lớn được các ngân hàng chuyển sang nắm giữ vàng bao gồm giảm thiểu rủi ro và chuẩn bị cho sự bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng sử dụng vàng nhằm tận dụng giá trị lâu dài, hiệu quả trong thời kỳ khủng hoảng và vai trò của nó như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư.

"Sức ép lớn từ thị trường, bất ổn kinh tế chưa từng có và những biến động chính trị trên khắp thế giới đã khiến vàng trở thành một tài sản được các ngân hàng trung ương quan tâm đặc biệt", ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WGC, nhận định với WSJ.

Các thỏi vàng trong một nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, đồng USD lại suy giảm sức hấp dẫn khi chiến sự Nga - Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Ngoài ra, những lo ngại ở Mỹ xung quanh cuộc bầu cử tổng thống sắp tới cũng đè nặng lên đồng USD, khiến một số ngân hàng trung ương tìm cách giảm thiểu rủi ro.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua mạnh vàng trong 2 năm qua. Năm 2023, lực lượng này mua ròng 1.037 tấn vàng, đánh dấu năm mua ròng vàng nhiều thứ hai trong lịch sử, sau khi mua ròng kỷ lục 1.082 tấn vàng trong năm 2022. Quan điểm tích cực về vàng duy trì dù giá vàng liên tục lập kỷ lục trong năm nay.

"Những yếu tố ảnh hưởng như giá cả có thể tạm thời làm chậm lại việc các ngân hàng trung ương mua vàng trong ngắn hạn, nhưng xu hướng lớn vẫn duy trì. Các nhà quản lý đã nhận ra vai trò của vàng là một tài sản chiến lược trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn", ông Shaokai Fan chia sẻ thêm.

Chia sẻ với Kitco News, ông John LaForge, chiến lược gia của ngân hàng Wells Fargo, cũng cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục mua ròng vàng.

"Nợ của các chính phủ đang tăng lên trên toàn cầu chứ không riêng gì ở Mỹ. Đó là một lý do vì sao nhiều ngân hàng trung ương đang quay sang mua vàng", ông LaForge nhận định.

Vị chuyên gia cho rằng ông không thấy có bất kỳ sự lưỡng lự nào ở các ngân hàng trung ương đối với việc mua vàng. Ông cũng cho rằng trong môi trường toàn cầu hiện nay, các quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa dự trữ bằng cách mua vàng để bảo toàn tài sản và sức mua vì giá hàng hóa cơ bản tăng sẽ khiến áp lực lạm phát dai dẳng ở mức cao.