Chị Nguyễn Thị Hồng Mơ (Hậu Giang) bên vườn dâu tằm. Thoát nghèo từ trồng dâu tằm
Từng rơi vào cảnh “không biết sẽ về đâu”, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Mơ (37 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nay đã có thu nhập khấm khá và quyết định trả sổ hộ nghèo.
Vườn dâu tằm trên đất Hậu Giang trĩu quả của gia đình chị Mơ.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn dâu tằm rộng 1 ha, chị Mơ cho hay cuộc sống gia đình chị khốn khó khi cả 2 con đều mắc bệnh ung thư. Năm 2020, đứa con trai lớn bị ung thư máu, 1 năm sau thì mất.
Cùng lúc đó, đứa con trai nhỏ phát hiện ung thư thận. Chính quyền xã đã tạo điều kiện cấp cho sổ hộ nghèo và vợ chồng chị phải vay nợ hơn 1 tỷ đồng để chữa trị cho các con.
Cây dâu tằm đã giúp gia đình chị Mơ thoát nghèo.
Trải qua biến cố gia đình, đến năm 2022, chị Mơ quyết định trả lại sổ hộ nghèo khi số nợ trả được hơn phân nửa, nhờ nguồn thu nhập khấm khá từ cây dâu tằm.
Nhìn vườn dâu tằm tiềm năng của chị Mơ, ít ai ngờ rằng chị khởi sự không nhằm mục đích để bán mà làm thuốc nam cho con người con trai đã trải qua cuộc phẫu thuật phải cắt 1 trái thận.
“Tôi cân nhắc nhiều loại cây, điều quan trọng nhất là muốn tự trồng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cuối cùng, tôi nhắm đến cây dâu tằm vì mọi bộ phận của cây đều có công dụng thuốc nam tốt cho sức khỏe”, chị Mơ tâm sự.
Trước đây trên mảnh vườn, gia đình chị Mơ trồng xoài thế nhưng “điệp khúc” được mùa rớt giá, rồi thậm chí có lúc không có người mua liên tục xảy ra.
Chị Mơ cho biết: Vườn của tôi từng trồng xoài Đài Loan, vài năm đầu thì được khoảng 100 triệu/năm. Nhưng sau đó ngày càng rớt giá, thậm chí có lúc chẳng ai mua. Chi phí phân thuốc nhiều. Tính ra trồng dâu tằm khỏe hơn, nhẹ công chăm sóc, nhưng thu nhập 1 vụ đã hơn tiền thu nhập từ xoài cả năm.
Thời điểm chị Mơ trồng dâu tằm cả xã chưa ai trồng nên chị cũng dè dặt, chỉ đặt mua 5 cây giống từ Đà Lạt về thử nghiệm. Chị hy vọng cây sống tốt đủ để làm thuốc nam cho con. Dự phòng thất bại, chị còn thả 5.000 con cá tai tượng xuống ao để cá ăn lá. Vì vậy, khi lứa dâu tằm đầu tiên sai trái, chị và người dân địa phương đều bất ngờ.
Thu lãi trăm triệu, tạo việc làm cho phụ nữ nông thônSau nhiều vụ liên tiếp đạt hiệu quả, chị Mơ mua thêm vài chục cây giống về trồng rồi giâm cành, chiết cành nhân rộng mô hình. Hiện, khu vườn 1 ha của gia đình chị có hơn 700 gốc dâu tằm. Sắp tới chị đang có ý định mở rộng thêm.
Hơn 700 gốc dâu tằm đã giúp gia đình chị Mơ thu nhập 200 triệu đồng/năm.
“Trái dâu tằm mọng nước dễ bị dập, phải bảo quản trong ngày mới ngon. Tôi thấy đó là yêu cầu khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho mình. Nếu trồng được ở Hậu Giang, thị trường sẽ rất thuận lợi vì gần TP Cần Thơ và TPHCM. Vận chuyển trong ngày, chất lượng trái đảm bảo hơn so với từ Đà Lạt chuyển vào hoặc là từ các tỉnh xa chuyển đến”, chị Mơ chia sẻ.
Cây dâu tằm thuộc loại thân gỗ, 6 tháng đã bắt đầu cho trái, càng lớn càng năng suất cao. Cây có thể cho trái gần như quanh năm, mỗi vụ khoảng 1,5 tháng. Miền Tây có khí hậu khô nóng, qua nhiều lần thử, chị Mơ rút kinh nghiệm chỉ để trái 2 mùa có năng suất cao nhất: từ tháng 10 âm lịch đến gần Tết và sau Tết (nghịch mùa), thời gian còn lại thì dưỡng cây.
Chị Mơ phấn khởi: Dâu tằm gia đình tôi trồng bán rất đắt, nhiều quán trà sữa đặt mua. Khách ở TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang và cả tỉnh Cà Mau cũng liên hệ tới đặt mua. Theo đơn hàng online còn đi ra một số tỉnh ngoài miền Tây.
Hiện giá dâu tằm được gia đình chị bán giá sỉ 50.000 đồng/kg, bán lẻ 70.000 - 80.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Trung bình mỗi vụ gia đình chị Mơ thu hoạch hơn 2,5 tấn/ha, trừ hết chi phí, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/vụ. Những trái kích thước nhỏ hơn chị làm rượu, siro để tăng giá trị.
Theo chị Mơ, trồng dâu tằm ít tốn công chăm sóc, chỉ cần kiểm soát lặt lá, quản lý nguồn nước, bón phân hữu cơ, làm cỏ, kiểm soát sâu bệnh.
Trái dâu tằm còn được gia đình chị Mơ sáng tạo làm nước ép, rượu.
Tham gia hái trái dâu tằm thuê cho gia đình chị Mơ, bà Đoàn Thị Thu Ba (49 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thạnh Hòa) cho hay: “Trước giờ cứ tưởng trái dâu tằm không phát triển được tại nơi đây, không ngờ lại hợp thổ nhưỡng đến vậy. Thu hoạch vườn dâu tằm mà thấy ham, cây chi chít trái, trái nào cũng căng bóng nhìn đã mắt. Trái một cây cả rổ (thu hoạch trái khoảng 1kg/ngày), kéo dài đến tầm hơn 20 ngày".
“Bà con ở đây chưa ai trồng nên ban đầu đến hái dâu tằm chúng tôi bỡ ngỡ, phải nhẹ nhàng và nhẹ tay. Nhờ gia đình chị Mơ trồng dâu tằm nên nhiều chị em trong thôn có thêm thu nhập từ việc hái trái, tiền công được 200 ngàn đồng/ngày", bà Thu Ba nói.
Ông Ngô Phước Lành, Bí thư Chi bộ ấp 3 (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho hay: Mô hình trồng dâu tằm của gia đình chị Mơ rất mới ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều tâm đắc nhất là mô hình còn tạo việc làm cho chị em phụ nữ ở nông thôn, vào đợt lặt lá hay hái trái tạo việc làm cho 8 - 10 lao động. Chính quyền địa phương cũng đang vận động chị nhân giống cây để cung cấp cây giống cho bà con có nhu cầu cùng chuyển đổi cây trồng.
Trước đây, lúc 2 con bệnh, có thể nói hộ chị Mơ là hộ khó khăn nhất ở đây. Nhờ trồng dâu tằm, gia đình chị dần ổn định, sửa sang nhà cửa khang trang và tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo. Chính quyền cũng đề xuất UBND huyện Phụng Hiệp khen thưởng cho chị Mơ khi chị nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, ông Lành nói.