Tại kỳ họp 7 khóa XV vừa qua, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), trong đó quy định về việc trích ngân sách tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số. Luật có hiệu lực từ 1.1.2025.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV
Luật này quy định 6 nhóm chính sách của Nhà nước về TTATGTĐB. Theo đó, Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm TTATGTĐB.
Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm TTATGTĐB. Đồng thời, bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, còn có chính sách hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về TTATGTĐB giữa các cơ quan nhà nước có liên quan.
Trong số trên, chính sách liên quan đến việc trích lại nguồn tiền từ xử phạt vi phạm TTATGTĐB từng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu trong quá trình xây dựng dự thảo cũng như thảo luận ở hội trường.
Không mâu thuẫn với nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sáchTại báo cáo giải trình, tiếp thu gửi tới các đại biểu trước khi bấm nút thông qua dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, bên cạnh phần lớn nhất trí còn có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về trích lại tiền xử phạt vi phạm TTATGTĐB, cần quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm...
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGTĐB sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT.
Tỷ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm, mới nhất là năm 2024 trích lại tương ứng 85% cho Bộ Công an, 15% cho địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có vướng mắc, do chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể thể hiện việc trích lại nguồn kinh phí xử phạt vi phạm giao thông. Điều này dẫn đến nguồn kinh phí để triển khai các đề án, dự án phục vụ hiện đại hóa lực lượng CSGT, tăng cường công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế.
Lực lượng CSGT kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trên để bảo đảm tính thống nhất với Nghị quyết số 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, nhất là việc bãi bỏ cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định bố trí khoản thu từ số tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và đấu giá biển số xe không phải là kinh phí thường xuyên. Mục đích sử dụng là để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; không phải để hỗ trợ tăng thêm thu nhập cho lực lượng CSGT hoặc các lực lượng khác tham gia bảo đảm TTATGTĐB.
Do đó, quy định như dự thảo luật là không mâu thuẫn với Nghị quyết số 104/2023 của Quốc hội.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và để bảo đảm thống nhất với quy định của luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý quy định về việc bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm TTATGTĐB và tiền đấu giá biển số xe như đã nêu.
Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được bố trí trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (không phải sửa đổi, bổ sung luật Ngân sách nhà nước).