Nhằm đối phó với tình hình vi phạm luật an toàn giao thông ngày càng gia tăng, hình thức phạt nguội đã ra đời dựa trên công nghệ lưu trữ, phân tích và nhận dạng hình ảnh. Hiện nay các loại camera phạt nguội tại Việt Nam đã có thể dùng để làm căn cứ xử phạt các lỗi: vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ hay thậm chí là cả dừng đỗ xe sai quy định.

Tuy nhiên mặt khác, camera phạt nguội lại khiến một bộ phận người dân tỏ ra lo sợ mỗi khi tham gia giao thông. Cá biệt có những trường hợp vi phạm tới hàng chục lần với cùng một lỗi vi phạm tại cùng một vị trí, khiến số tiền phạt tăng lên chóng mặt tới cả chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Vậy làm cách nào để có thể "làm chủ việc phạt nguội" để mỗi khi ra đường, không còn cần phải nơm nớp lo sợ nữa?

Bàn luận về chủ đề làm chủ vi phạm phạt nguội, buổi tọa đàm giải pháp nâng cao ý thức văn hóa tham gia giao thông đã diễn ra vào chiều 29/6/2024 tại Hà Nội. Tại sự kiện, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách khoa Hà Nội - nhận định, phạt nguội là giải pháp rất tốt để dẫn dần cho mọi người đi vào nề nếp, hiểu được luật hơn, nên rất cần phải ủng hộ việc phạt nguội để giúp nâng cao ý thức giao thông.

Tiếp lời, anh Nguyễn Quốc Bình - quản trị viên cộng đồng OFFB - cho hay, khi tham gia giao thông thì mỗi người cần phải hết sức nhẫn nại, biết kiềm chế và cần đặc biệt tôn trọng luật giao thông. Còn anh Lê Mạnh Linh - quản trị viên kênh Mê xe - cũng khẳng định: tâm lý “sợ” có thể là một điểm giúp ý thức tham gia giao thông được nâng cao hơn. Và để có thể làm chủ các vi phạm, việc rút ra những bài học kinh nghiệm từ hành vi di chuyển hàng ngày, tham gia giao thông nhiều kết hợp với sự hỗ trợ từ công nghệ là cần thiết.

Nhưng bên cạnh đó theo tiến sĩ Phúc, tâm lý lo lắng bị phạt nguội cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý khi tham gia giao thông của con người, nếu căng thẳng quá, lo lắng là sẽ bị quá tốc độ, có thể dẫn đến việc bảo đảm an toàn khi lái xe bị giảm thiểu.

Tiến sĩ Phúc cũng bổ sung: xe của thế kỷ trước chạy bằng động cơ xăng - dầu, còn xe ở thế kỷ này chủ yếu chạy bằng "công nghệ thông tin" nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của việc ứng dụng công nghệ lên xe hơi. Bằng chứng là hàng loạt những tính năng thông minh hiện đại đã dần trở nên phổ thông, như: phanh ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, hỗ trợ đổ đèo / khởi hành ngang dốc, phanh tay điện tử, camera lùi, cảm biến trước - sau, cảnh báo điểm mù... hay cao cấp hơn là các tính năng hỗ trợ lái chủ động ADAS: adaptive cruise control, phanh giảm thiểu va chạm, hỗ trợ giữ làn... nhằm giúp việc lái xe trở nên tiện lợi và an toàn hơn.

Cùng với những công nghệ hỗ trợ pháp luật xử phạt vi phạm luật an toàn giao thông, thị trường cũng ghi nhận những giải pháp công nghệ được ra đời nhằm mục đích giúp đỡ, nhắc nhở những người cầm lái không vô tình vướng vào vi phạm dẫn đến bị phạt nguội. Một trong số đó chính là ứng dụng GSpeed đến từ đơn vị Icar.

Ra đời từ 3/6/2023, sau một năm tồn tại và phát triển, đến nay Icar đã vừa chính thức phát hành phiên bản 2.0 của ứng dụng Icar GSpeed với hàng loạt điểm mới đáng chú ý. Đầu tiên là việc cho phép người dùng các thiết bị Apple có thể tải về ứng dụng thay vì chỉ có máy Android như trước, qua đó nâng cao đáng kể số lượng người dùng.

Tiếp đến, thế hệ ứng dụng Icar GSpeed 2.0 cũng cho phép nhắc nhở cả camera phạt nguội (lên tới 350m) và nhận diện biển báo bên cạnh cảnh báo tốc độ như trước. Đồng thời, ứng dụng cũng cho phép cộng đồng người dùng có thể đóng góp ý kiến để bổ sung, cập nhật dữ liệu thông qua trang web, group trên nền tảng facebook hay thậm chí trực tiếp ngay từ ứng dụng.

Nhờ vậy sau hơn 1 năm phát triển, Icar GSpeed 2.0 đã đạt tới 95% về mức độ chính xác của dữ liệu. Đã có hơn 32.700 lượt đóng góp đến từ 10.000 người dùng thường xuyên trong tổng số hơn 35.000 tài khoản đã đăng ký. Từ đó đưa Icar GSpeed 2.0 trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu và hữu ích, giúp người dân tham gia giao thông an toàn, tiện lợi và không còn "nơm nớp lo sợ" bị phạt nguội mỗi lần ra đường.