Nguyên nhân gây viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng viêm trong bàng quang có thể tiến triển cấp tính hoặc mãn tính. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng nhiễm trùng. Bệnh này xuất hiện ở cả nam và nữ, khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu.

Trong trường hợp nhẹ viêm bàng quang có thể tự khỏi trong vòng vài ngày nhưng nặng thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể gây nhiễm trùng lên đến thận.

Viêm bàng quang không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng gây tổn thương thận.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang thường gặp là do vi khuẩn, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác.

Nguyên nhân do vi khuẩn:

Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang thường theo con đường ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang, quá trình viêm thường là viêm cấp tính, nếu viêm mạn tính thì thường kèm theo viêm thận – bể thận mạn do vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên bể thận gây viêm. Niệu đạo nằm trong vùng tầng sinh môn gần với hậu môn, nên các vi khuẩn đường ruột thường xâm nhập vào niệu đạo rồi vào bàng quang.

Bệnh có thể gặp ở cả hai giới nhưng phụ nữ thường gặp hơn do đặc điểm niệu đạo ở nữ ngắn và thẳng hơn nam, gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng hay gặp ở trẻ em và người cao tuổi hơn thanh niên do vệ sinh vùng tầng sinh môn kém, nam giới cao tuổi thường có tuyến tiền liệt to gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, phụ nữ sau mãn kinh âm hộ âm đạo thường khô và niêm mạc mỏng dễ bị viêm.

Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, nhân lên và phát triển gây viêm. Niêm mạc bàng quang xung huyết, phù nề, trợt loét, có thể chảy máu. Viêm gây kích thích làm bệnh nhân mót tiểu nhiều lần gây ra tiểu buốt, tiểu rắt.

Những điều kiện thuận lợi gây viêm bàng quang: nữ giới, trẻ em và người cao tuổi, sau sinh hoạt tình dục, những người có bất thường niệu đạo hoặc chấn thương niệu đạo, sỏi bàng quang, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, các thủ thuật thông bàng quang, soi bàng quang, đặc biệt người phải lưu ống thông bàng quang lâu, các bệnh nhân bị đái tháo đường.

Nguyên nhân không do vi khuẩn (hiếm gặp): thuốc, hóa chất, tia xạ.

Dấu hiệu nhận biết viêm bàng quang

Khi bị viêm bàng quang người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng điển hình như sau:

Tiểu ra máu, nước tiểu màu hồng, nước tiểu màu đục hoặc có mùi hôi.

Đi tiểu nhiều lần trong ngày hơn bình thường, đặc biệt là mỗi lần đi chỉ một ít.

Đau hoặc thậm chí là có cảm giác bị nóng rát khi đi tiểu.

Lúc nào cũng bị mót tiểu, phải đi tiểu gấp.

Đau quặn ở vùng bụng dưới.

Đau lưng, hai bên thắt lưng hoặc ở giữa lưng.

Ở trẻ thì hay bị tè dầm.

Sốt nhẹ khoảng từ 37,5 đến 38 độ C.

Viêm bàng quang nếu như không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng gây tổn thương thận không hồi phục. Đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ do những dấu hiệu viêm bàng quang thường ít khi được phát hiện hoặc bị nhầm với một số bệnh lý khác.

Làm sao để phòng ngừa bệnh viêm bàng quang?

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn để phòng bệnh.

Để phòng ngừa bệnh cần chú ý đến các biện pháp sau:

Không được nhịn tiểu, cần đi tiểu mỗi khi cảm thấy mắc tiểu.

Vận động cơ thể hoặc tập thể dục đều đặn mỗi ngày để hỗ trợ hệ bài tiết và lưu thông nước tiểu tốt hơn.

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học để tăng cường sức đề kháng chống chọi với các bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

Tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế ngâm mình trong bồn tắm cũng như tắm ở sông, suối, ao, hồ.

Nữ giới nên dùng băng vệ sinh thay vì tampon mỗi lần đến kỳ.

Tránh dùng các loại thuốc thụt rửa âm đạo và thuốc vệ sinh phụ nữ gây kích ứng.

Mặc quần lót rộng rãi, thoáng mát được làm từ chất liệu cotton và thay quần lót mỗi ngày.

Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.

Không nên sử dụng màng ngăn và chất diệt tinh trùng.

Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày. Đối với những người bị bệnh bại liệt cần phải chú ý, vì họ tiểu không tự chủ và phải dùng bỉm.

Chữa trị tích cực bệnh viêm tiết niệu, sỏi tiết niệu và bệnh của tuyến tiền liệt.